Chưa đầy 4 tháng, Trần Văn Điểm (SN 1987 ngụ Tứ Kỳ, Hải Dương) liên tiếp sát hại 4 mạng người ở Sài Gòn, Quảng Ngãi, Hải Phòng và Bà Rịa – Vũng Tàu. Hàng loạt tội ác của Điểm “trời không dung, đất không tha”, nhưng gia đình và hàng xóm nhận xét thủ phạm trước đó là người sống hiền lành, thương mẹ, hay mua sữa cho ông, thích đánh cờ với các cụ. Vậy nguyên nhân nào khiến một anh trai làng lại nhẫn tâm giết người hàng loạt? Chuyên gia tâm lý Phạm Hiền có những lý giải trên báo Pháp luật và thời đại số 197 ra ngày 29/12.
1. Đói nghèo + thiếu kỹ năng sống = gây án
P/v: Bà đánh giá thế nào về vụ án “giết người hàng loạt” đang được dư luận quan tâm?
Tôi theo dõi khá sát vụ án này. Các vụ án nghiêm trọng liên quan đến mạng người không hiếm gặp, nhưng tôi cho rằng đây là một vụ án hiếm có ở Việt Nam, vì trong thời gian ngắn, thủ phạm cướp đi 4 mạng người. Ban đầu, tôi nghĩ thủ phạm phải mang bộ mặt “ác quỷ”, hung dữ và man rợ, nhưng khi nhìn ảnh chân dung cậu ta, hóa ra là 1 khuôn mặt đầy vẻ cam chịu.
Đọc thêm thông tin, tôi được biết Điểm là người thương mẹ, hay gọi điện về nhà tâm sự, dù không kiếm được nhiều tiền nhưng thỉnh thoảng vẫn tiết kiệm gửi tiền về quê cho cha mẹ. Mỗi lần về thăm quê, Điểm thường mua đường, sữa thăm ông ngoại. Điểm có sở thích khá nho nhã là đánh cờ tướng với các cụ trong làng. Ngoài ra, Điểm có cách đối xử tình nghĩa với ân nhân từng giúp đỡ mình ở Sài Gòn. Người này ốm đau anh ta chăm sóc, khi biết ốm chết thì lặn lội hàng ngàn cây số từ Bắc vào Nam thắp một nén nhang.
Từ đó, tôi nhận định thủ phạm chắc chắn từng là người lương thiện, đã trải qua quá trình tâm lý phức tạp, đấu tranh dai dẳng giữa cái thiện và cái ác trước khi biến thành một con quỷ dữ giết người hàng loạt. Tuy nhiên, Điểm chưa phải là sát nhân chuyên nghiệp.
P/v: Vì sao bà đánh giá Điểm chưa phải là sát nhân chuyên nghiệp?
Nếu chuyên nghiệp, Điểm sẽ có những tính toán, chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi gây án và sau khi gây án. Đằng này anh ta giết người một cách bộc phát, vứt luôn hung khí không quá xa hiện trường gây án; dù bị truy nã vẫn ra ngoài đường, tiếp tục mua xe đạp, đồ giác hơi rồi đạp xe từ Sài Gòn, xuống Bà Rịa – Vũng Tàu, nạn nhân bị sát hại không phải là người giàu có, chỉ là những lao động phổ thông ít tiền. Ngoài ra, khi bị công an bắt, Điểm “hồn nhiên” khai nhận toàn bộ tội ác, không một chút âm mưu, giấu giếm. Nếu là sát thủ chuyên nghiệp, không ai “ngây thơ” vậy.
2. Ám ảnh tiềm thức, tạo hành vi quen thuộc
P/v: Tại sao Điểm dễ dàng giết người như vậy?
Theo tôi có 2 nguyên nhân khiến Điểm biến thành “con quỷ dữ”
Thứ nhất, Điểm quá nghèo đói. Sau khi lăn lộn với nhiều nghề, Điểm kiếm sống bằng nghề giác hơi. Cuộc sống thị thành Sài Gòn bon chen, giá sinh hoạt đắt đỏ khiến thu nhập Điểm không đủ sống, đặc biệt anh ta còn lao vào tệ nạn cờ bạc, lô đề. Chính vì đói mà anh ta hay đến ăn cơm miễn phí tại tiệm cơm từ thiện ở vòng xoay Lê Quang Sung – Phạm Đình Hổ (phường 2, quận 6, TP.HCM). Sau khi ăn hết 1 suất cơm, có lẽ vẫn còn đói, muốn lấy về dự trữ hoặc do lòng tốt lấy về cho người khác mà Điểm xin thêm 3 suất mang về. Khi không đồng ý, mâu thuẫn xảy ra, Điểm bộc phát giết nhân viên phát cơm từ thiện.
Thứ hai là xuất phát từ tính cách của Điểm. Tìm hiểu kỹ chi tiết vụ án, thấy Điểm là người thiếu kiến thức, thiếu kỹ năng sống, thiếu sự kiên trì, dẫn đến hành động dại dột, manh động. Nếu Điểm bình tĩnh, hiểu được quy định của quán cơm từ thiện mỗi người chỉ được ăn 1 suất, không được mang về thì có lẽ chuyện đau lòng đã không xảy ra. Từ nhận thức kém, tính cách nóng nảy cùng với việc bần cùng về vật chất khiến Điểm “nhúng chàm”.
P/v: Tại sao sau khi giết 1 người, thủ phạm dễ dàng giết thêm 3 người khác?
Con người ai cũng biết sợ. Sau khi gây tội ác, Điểm chạy trốn khắp nơi. Để có tiền sinh sống, Điểm tiếp tục giết người cướp của. Động cơ gây án ở 3 vụ sau đó không phải do hận thù cá nhân, mà chỉ đơn giản là Điểm cần tiền để sinh tồn và chạy trốn. Như đã nói ở trên, Điểm là người thiếu kiến thức và kỹ năng sống nên suy nghĩ đơn giản. Sau vụ án thứ nhất, tâm lý Điểm hỗn loạn, buông xuôi theo kiểu: Giết 1 người cũng là giết, 4 người cũng là giết; dù sao cũng đã gây ra tội ác; kiểu gì cũng bị tù tội nên chấp nhận thực hiện hàng loạt những hành vi man rợ để thoát thân, sinh tồn.
Trong 3 lần gây án sau, cách thức ra tay của thủ phạm đều giống lần 1, dùng dao đâm chết nạn nhân rồi vứt cách hiện trường không xa. Điều đó chứng tỏ thủ phạm bị ám ảnh trong tiềm thức và tạo hành vi quen thuộc, dẫn đến giết người hàng loạt mà không kiểm soát được bản thân.
3. Ẩn ức quá khứ?
P/v: Bà giải thích thế nào về việc thủ phạm ra tay vẻ lạnh lùng, sau đó rất thành khẩn trong khai báo đồng thời giải thích cho hành động giết người hàng loạt của mình là “đã chơi là phải tới bến”?
Thủ phạm biết tội mình rất nặng, không thể dung tha. Hơn nữa bản chất Điểm là người “hồn nhiên”, “chất phác”; xuất thân từ vùng nông thôn “ăn thẳng nói thật” nên có gì nói ấy, không giấu giếm biện bạch.
Về lời giải thích cho hành động phạm tội “đã chơi là phải tới bến” cũng thể hiện bản chất “ngây ngô” của thủ phạm. Tìm hiểu quá khứ thủ phạm, thấy anh ta từ khi còn nhỏ đã lang bạt khắp nơi, tự kiếm tìm cái ăn; làm đủ mọi nghề của xã hội từ tẩm quất giác hơi cho đến đồng tính nam, đến chăn dắt bán dâm cho người đồng tính… Trước khi chai lì, kiểu gì Điểm cũng có thời gian dài bị bắt nạt, chèn ép, nhất là khi còn nhỏ, hiền lành. Điều này ăn sâu vào tiềm thức anh ta. Bởi vậy, nhìn khuôn mặt Điểm toát lên vẻ gì đó “cam chịu”.
Khi hành động giết người liên tiếp được thực hiện, ẩn ức quá khứ hiện về; trước đây bị đè nén, chèn ép thì nay được “thế hiện chính mình”, cảm thấy “anh hùng” vì “đằng nào cũng chết”. Từ tâm lý này, sát thủ đã “chơi tới bến” mà không kiểm soát được hậu quả đau thương cho bị hại.
P/v: Vì sao thử phạm vô cảm trước những cái chết của nạn nhân?
Sống lang bạt ngay từ nhỏ, Điểm trải đời nhiều. Những trải nghiệm này chủ yếu trong môi trường khá phức tạp của xã hội, do đó tinh thần nhân đạo, lòng yêu thương con người không được bồi đắp và đánh thức ở thủ phạm. Do đó, khi dẫn đến đường cùng vì ích kỷ cá nhân trong quá trình chạy trốn và sinh tồn, Điểm không ghê tay giết người hàng loạt.
P/v: Gia đình, xã hội có tác động gì trong hành động tội ác của thủ phạm ở vụ án này?
Môi trường giáo dục ngay từ khi còn nhỏ có ảnh hưởng lớn đến định hướng tâm lý con người. Nếu từ nhỏ, Điểm được bố mẹ quan tâm, chăm sóc, giáo dục chu đáo, đúng hướng thì có lẽ Điểm sẽ có nhận thức tốt hơn. Trong việc này, trình độ học thức không phải cái thước để đánh giá. Điểm chỉ học đến lớp 7 nhưng điều này không ảnh hưởng đến nhận thức. Rất nhiều người không biết chữ, hoặc chỉ học chưa hết tiểu học nhưng nhận thức tốt, kỹ năng sống tốt vì họ được tiếp thu lối ứng xử và dạy dỗ tốt từ nhỏ của bố mẹ.
Trong hành động tội ác của Điểm, ban đầu do nhận thức anh ta, sau đó xã hội là “chất xúc tác”. Cuộc sống muôn hình muôn vẻ, tốt xấu lẫn lộn, Điểm không biết sàng lọc, đểu cuối cùng lao vào tệ nạn, từ mê cờ bạc đến môi giới bán dâm, dùng ma túy. Cuối cùng dẫn đến tội ác hàng loạt.
Tất nhiên, Điểm không thể đẩy trách nhiệm cho gia đình và xã hội.
P/v: Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này!
PV: Minh Hữu
Nguồn: Báo Pháp Luật & Đời Sống
Trả lời