Cha mẹ ơi hãy yêu con và nuôi dạy con trong độ tuổi teen đúng cách nhé!
Dạy con tự lập là cả một quá trình bắt đầu từ lúc bé đang tập đi, vừa biết nói, mới biết xúc cơm, dạy từ cách tự phục vụ, cách chịu trách nhiệm, cách quản lý chi tiêu và thời gian v.v… cho tới khi trẻ biết cả kiến thức phòng tránh thai, nói không với ma túy và tệ nạn xã hội, biết chống lại quấy rối tình dục v.v…
Khi con bước vào giai đoạn tuổi teen, giai đoạn đặc biệt quan trọng trong việc định hình nhân cách, luôn muốn tự khám phá bản thân khiến đôi khi, nhiều bậc phụ huynh cảm thấy bất lực trong việc khuyên bảo và không biết nuôi dạy con trong độ tuổi teen như thế nào cho đúng cách.
1.Tuổi này của các con nó gàn dở trong sự hoang mang lắm các cha mẹ ạ!
Hãy nghe con nói đừng cứ phải nói trước mới thỏa mãn sự hiểu biết của mình
Cái tôi con lớn nhưng suy nghĩ của con còn non nớt lắm vì mới chỉ dừng lại ở sự bắt đầu thực hành để trải nghiệm thực tế. Vì vậy nếu con muốn thể hiện nó thì thay bằng phủ nhận, chê bai, thậm chí quát mắng, cấm đoán…. cha mẹ hãy bình tĩnh lắng nghe con để con được giải tỏa sự bí bách muốn thể hiện cho bằng hết cái lối suy nghĩ có thể sai, có thể không giống ai của con.
Hãy thấu hiểu con đừng áp đặt để thỏa mãn cái quyền của mình
Không có ai đúng hay ai sai, kể cả cha mẹ hay con cái. Bởi đơn giản nó là suy nghĩ, quan điểm, mong muốn riêng của mỗi người. Vì vậy thay bằng bắt con phải nghe, áp con phải làm theo ý mình, cấm con được cãi lệnh…, cha mẹ cứ nghe đi và hãy thấu hiểu con thật nhiều bằng sự bình tĩnh trấn an, bình tĩnh công nhận, bình tĩnh phân tích nhẹ nhàng trong định hướng để con vẫn có cái quyền tự quyết định nhưng trên cơ sở đúng đắn từ chính kinh nghiệm của cha mẹ.
Đừng bao giờ thách đố con
Khi cao trào của cái tôi không được công nhận thì với các câu nói “Mày nghỉ học đi là con sẽ có thể nghỉ” hoặc “Mày chết đi thì con cũng có thể làm vậy” hoặc “Mày muốn bố mẹ chết không con có thể cũng nghĩ vậy”… Những cách nói khiến cho cái đầu của con nó cứ căng ra và bất cần hoặc cam chịu rồi nó lại muốn bung ra, muốn bùng nổ để thoát hết sự khó chịu đến tột cùng bên trong mà mất phương hướng. Hãy nói những câu nói tích cực tạo động lực và tin vào con kể cả con có đang sai cha mẹ nhé.
2. Tuổi này của các con nó nhiều áp lực không khác gì người lớn chúng ta đang phải gánh chịu đâu cha mẹ ơi!
Áp lực từ chính cha mẹ mình
Luôn bị chỉnh, luôn bị quát mắng, luôn bị cho là kém, luôn bị không có niềm tin hoặc luôn không đạt được mong muốn của cha mẹ… Khiến con cũng loay hoay chẳng biết phải như thế nào cho đúng… Cha mẹ hãy đừng mang suy nghĩ, hành động của cái đầu hơn con mấy chục tuổi để bắt con phải đạt được sự kỳ vọng của mình, giống như mình …, nó khiến con ngộp thở và ngấm ngầm nhiễm độc sự tiêu cực buông xuôi.
Áp lực từ bạn bè
Tuổi này các con không còn được chơi vô tư như khi còn tiểu học mà bắt đầu biết tẩy chay, chê bai, nói xấu, so sánh, thích thể hiện bản thân và dìm bạn khác xuống hoặc con cảm thấy không hợp, thấy lạc lõng, thấy khó để hòa nhập với các bạn… Con luôn nhạy cảm đến thu mình hoặc gai góc đến bất cần sau đó là sự tổn thương âm ỉ mà bị mất đi niềm vui trong chính con.
Áp lực từ học tập
Bài vở quá nhiều từ trên trường lớp đến mọi chỗ học thêm, từ cơ bản đến phải nâng cao…, khiến cho cả ngày, cả tuần, cho đến hết tháng rồi lại năm…, không có thời gian ngơi nghỉ… Não bộ cứ căng mãi mà chẳng có thời gian đàn hồi càng học càng thấy thụ động đi, càng học càng thấy trây ì và không thấy hứng thú mà thay vào đó là sự sợ hãi hoặc ác cảm hoặc muốn giải thoát.
Áp lực từ chính con
Bản thân con luôn dễ cảm thấy ấm ức, dễ tức giận, dễ thấy không phục, dễ thấy mọi thứ không theo ý mình, muốn thể hiện mình trong sự gồng mình vụng về loay hoay, muốn được công nhận như mình nghĩ, muốn nhàn hạ chỉ biết chơi mà không phải làm không phải học… Thất bại từ trong mong muốn cộng thêm sự tức giận mà không thấu hiểu của cha mẹ, thầy cô… khiến con cứ sống trong sự thấy bất công, thấy bất lực… mà không chịu nhìn nhận đúng sai…
3. Tuổi này con có rất nhiều cám dỗ để con dễ chệch hướng
Con muốn thể hiện bản thân
Con muốn khẳng định cái tôi từ những sự bị nuôi dưỡng ấm ức, khó chịu, cho rằng mình bị áp đặt trong các độ tuổi trước nên bây giờ lớn rồi và không muốn bị như vậy nữa. Con đã từng nhút nhát và bị bắt nạt nên bây giờ phải vùng lên để bạn bè thấy mình cũng biết chơi, mình cũng không sợ ai mà quẫy đến cùng để trở thành đứa trẻ khác. Tất cả luôn là những áp lực trong con tạo nên sự bất ổn. Bố mẹ, thầy cô càng la hét giáo điều thì con càng chệch hướng nhanh hơn.
Con đòi quyền hưởng thụ
Chúng đòi điện thoại, máy tính, quần áo sành điệu… Tất cả những gì chúng muốn cứ như là nghiễm nhiên bố mẹ bắt buộc phải có nghĩa vụ cung cấp cho chúng vậy. Những bố mẹ không cung cấp sẽ trở thành bố mẹ khắt khe và không thương chúng. Những bố mẹ cung cấp đầy đủ thì trở thành phục vụ cho chúng. Dễ dãi hay khắt khe thì trong mắt chúng bố mẹ như công bộc làm tốt hay không làm tốt vai trò với chúng mà thôi. Kiểu gì cũng bị cho là không tròn vai.
Con phán xét bố mẹ
Chẳng bao giờ không có sự trái ý trong bất kỳ mối quan hệ nào huống gì cha mẹ và con cái. Một bên làm chủ có quyền to và một bên luôn sẵn trong mình lối tư tưởng bị ông bà chủ đàn áp. Vì vậy, tình thương yêu vô bờ bến, sự hy sinh vì con của bố mẹ các con ít khi cảm nhận được. Nhưng sự không khiến chúng hài lòng thì không bao giờ quên. Vì vậy, trong đầu các con chỉ đầy các đổ lỗi, phán xét bố mẹ khiến chúng không như mong muốn…
Con đòi hỏi xã hội
Chúng không bao giờ hiểu được thực tế xã hội có tốt có xấu, mỗi cá nhân có trách nhiệm khiến xã hội tốt lên hay xấu đi chính từ nhận thức và thái độ của chúng. Cứ nghe người lớn tiêu cực phán xét là chúng mất niềm tin và đòi hỏi xã hội phải như chúng muốn (trong khi chúng cũng chẳng biết mình muốn gì). Nên chỉ cần những gì không đạt được hoặc áp lực là thấy bất công, thấy xã hội xấu xí khiến mình như vậy một cách vô thức.
Vậy đấy, tuổi dở ương này chẳng nói trước được con mình tiếp theo sẽ phát triển như thế nào. Rất nhiều góc khuất trong các con cứ âm ỉ mặc sức phát triển.
Nên dạy con trong tuổi này càng phải bằng tư duy chứ không thể bằng hành vi:
– Không chửi mắng, trì triết
– Không so sánh, chê bai
– Không áp đặt, ra lệnh
– Không đáp ứng tự do
– Không lúc này lúc nọ
– Không hứa rồi không làm
– Không làm hộ, ra quyết định hộ
– Không nịnh nọt vuốt ve
Phải chú ý và đừng chủ quan đến các bất ổn tâm lý:
– Rối loạn lo âu, căng thẳng trong bất lực.
– Cam chịu trong chấp nhận cực đoan.
– Nuôi dưỡng trầm cảm, tâm thần phân biệt khi cái tôi vượt ngưỡng cực đoan.
– Thể hiện bản thân biết chơi để trả thù bạn bè đã coi thường.
– Bị lôi kéo thế giới ảo, đội nhóm biết chơi, tệ nạn.
Tiếp xúc nhiều với các con bị cha mẹ quát mắng thậm chí dùng roi vọt, tay chân để đánh khi mắc lỗi, khi không đúng ý, khi không như mong muốn trong suy nghĩ của cha mẹ thì thấy bất ổn.
=> Chúng gào lên đổ lỗi chúng hư hỗn do bố mẹ
=> Chúng thách thức những bậc sinh thành chờ chúng lớn hơn sẽ không tha.
=> Chúng bất mãn vì chẳng có gì phải cố gắng.
=> Chúng gầm gừ vì bố mẹ không hiểu mình.
…..
Dù bằng cách nào mà dạy hay tương tác tiêu cực thì cũng là sự va đập rất mạnh vào trí não, tiềm thức… con và khiến các chúng tự tạo cho bản thân sự gai góc, bất cần, phòng thủ…Từ ánh mắt, cử chỉ, thái độ, lời nói…., của các con luôn hiện hữu như vậy.
Thương con không ai bằng cha mẹ, hy sinh vì con cũng không ai bằng cha mẹ Nhưng vô tình thôi cha mẹ chưa nghĩ rằng “Các con của chúng ta dù gì cũng chỉ là những đứa trẻ con và chúng đang từng ngày phải trải nghiệm cuộc sống có sai thì mới biết đúng – phải rút kinh nghiệm – phải khắc phục…. và cái vòng quay này không thể chối cãi là người lớn đến bao nhiêu tuổi vẫn đang như vậy”.
Hãy bình tĩnh – trấn an – động viên – kiên trì – khích lệ dù con mắc lỗi lầm thì với bản năng hướng thiện vốn dĩ luôn tồn tại trong con người Phạm Hiền tin rằng các con không thể không tích cực hơn.
Tuổi này hãy để con là một người đang trưởng thành…. Và học để trưởng thành tốt nhất đừng bắt con là đứa trẻ cứ mãi phải bé trong lòng bàn tay của cha mẹ, hãy yêu và nuôi dạy con tuổi teen đúng cách cha mẹ nhé!!!!
Trả lời