Cha mẹ Việt dạy con – Sai lầm và giác ngộ
Khi tiếp cận với một bộ phận các cha mẹ trẻ tôi thực sự thấy hoang mang bởi các bạn chưa thoát ra được những suy nghĩ và góc nhìn của độ tuổi chưa có con cái, gia đình. Cha mẹ cứ phích cứng luồng tư duy dễ ngộ nhận nhưng cũng dễ lo lắng, hoang mang hoặc cũng dễ ấm ức, tức tối, bức xúc trong sự nhạy cảm đến bốc đồng tự do. Với sự thể hiện dạy con theo bản năng như vậy, vô tình thôi đã tự truyền cho con nhiều tính cách, lối tư duy bất ổn, nhưng hình như vì thấy giống nhau và thấy cũng chẳng sao nên cha mẹ cũng chẳng thể nhận ra.
Có mẹ khoảng hơn 35 tuổi, đưa hai cô con gái nhỏ đến cùng bà ngoại để tôi tư vấn. Câu hỏi tưởng như đơn giản nhưng tôi vô tình lại trở thành tội đồ lớn:
Tôi: Em có bầu à, tháng mấy thì sinh (hỏi trên sự quan tâm).
Người mẹ: Tháng 9 em sinh.
Tôi: Thế thì cũng còn mấy tháng nữa thôi, cố cậu con trai hả? (cười).
Người mẹ: Không nói gì.
Sau vài câu hỏi, tôi thấy thái độ của người mẹ rất không ổn trong giao tiếp nhưng cũng không để ý lắm. Ngày hôm sau họp, tôi “bị” cán bộ tư vấn “phê bình” là hôm qua cô bảo một chị sinh cố con trai à, và chị ấy rất bức xúc nói rằng cô cố tình nói chị ấy không đẻ được con trai. Trời, tôi chỉ kêu đến vậy, và sốc vì không ngờ câu nói vui của mình lại nặng nề với người khác đến thế. Tôi chợt giật mình, có thể bạn ấy đã bị áp lực rất nhiều từ việc sinh con gái thì phải, và từ lúc đó tôi ý thức rằng nên rút kinh nghiệm, đừng bao giờ hỏi vui như vậy với những người đang toàn con gái, vì vô tình sẽ khiến ai đó bị tổn thương hoặc áp lực hơn.
Có mẹ khoảng 30 tuổi, tôi nói rằng: “Mẹ ơi, con em không chơi được với các bạn đâu, em có biết không? Bởi vì con luôn muốn theo ý mình và hay nhận xét, đánh giá các bạn theo cách nhìn của mình đúng không?”.
Người mẹ trả lời: “Vâng con không có bạn chơi, còn việc nhận xét thì em không hiểu ý chị nói lắm”.
Tôi giải thích cho mẹ, nào là con hay chê các bạn thế này thế kia, con hay nói các bạn không đúng còn con thì đúng, con hay không thích các bạn mặc đẹp hơn mình, con đi học nhưng chỉ tìm lỗi của các bạn để mách cô, con không cho bạn chơi đồ của mình nhưng cứ muốn bạn phải cho mượn đồ…
Mẹ nói: “Vâng đúng như vậy ạ, nhưng sao chị biết? Và cả khi chơi với các bạn hàng xóm con cũng vậy”.
Tuy nhiên, mẹ nói rằng: “Em nghĩ con phải có chính kiến chứ, ở nhà con cũng toàn nói bố như thế và cô em của con còn hơn cả con về vấn đề này”.
Tôi đồng ý với bà mẹ trẻ rằng: “Con phải có chính kiến, phải biết đưa ra ý kiến của mình, nhưng em hướng cho con quan sát và đưa ra ý kiến hai chiều sẽ tốt với con, nếu con chỉ đưa ra ý kiến một chiều từ sự mong muốn, đòi hỏi của bản thân thì tư duy của con sau này sẽ dễ tiêu cực lắm, con sẽ dần trở nên chỉ biết phán xét người khác mà không nhìn ra điểm yếu của mình đâu em”.
Cứ thế tôi đưa ra nhiều vấn đề nữa mà mẹ cũng đang nhìn thấy, và mẹ đều công nhận con có những biểu hiện không tốt, nhưng mẹ lại cho nó là chuyện bình thường và con không có bạn chơi thì cũng có sao đâu, con thích thì chơi và không thích thì thôi, đó là quyền của con. Thậm chí mẹ nói chuyện với tôi bằng sự tức giận đến bất cần. Không có cách nào khác, và để tránh “mẹ tự ái cao quá không tốt” tôi cũng đành dừng câu chuyện với mẹ vì lí do có thể chúng ta không hợp nhau ở quan điểm này.
Có bộ phận các mẹ khác thì luôn công nhận hết những gì tôi nói với một nỗi buồn hoặc không biểu hiện cảm xúc, nhưng ra khỏi cửa phòng lại bức xúc khi nói với cán bộ đón tiếp: “Cô đọc đúng về con chị thật nhưng mà sao toàn nhược điểm, còn chẳng có ưu điểm gì thế”, hoặc “Đúng nhưng mà chỉ toàn thấy nhược điểm, có vài cái ưu điểm thôi” hoặc “Đi test chán chết”, “Công nhận là đúng thật nhưng đọc toàn nhược điểm, chẳng thấy tí ưu điểm nào”… Thế đấy, tôi nhiều lúc cũng chẳng biết phải nói thế nào và nên thế nào. Mặc dù, trước khi nói chuyện, tôi luôn nói với các cha mẹ rằng: “Đến với tôi thì không nên mong tôi huyễn hoặc nhé, vì mục đích của tôi là nhìn ra những tiềm ẩn, những góc khuất dù manh nha, hay nhỏ nhất… mà nó có thể ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của con” hoặc “Không phải quá lo lắng khi con có nhược điểm đâu, vì con còn nhỏ và đang phải trải nghiệm có đúng có sai mà lớn lên, mà thay đổi. Mặt khác, đến tôi và cha mẹ còn có nhiều nhược điểm, huống hồ là con. Chỉ cần hiểu là đến đây nghe tôi nói để cha mẹ biết, tham khảo ứng dụng giúp con phát triển tốt hơn thôi, còn ứng dụng hay không đâu có bắt buộc, vì đó là quyền của cha mẹ mà”. Nhiều lúc buồn quá tôi cũng chia sẻ với các cha mẹ chín chắn hơn rằng: “Nói thật, một đứa trẻ đã vô nguyên tắc, lười biếng, chống đối, tư duy nhận thức yếu, ỉ nại, đòi hỏi… thì tôi cũng bất lực vì không thể nhìn ra được chỗ nào là ưu điểm để nói với cha mẹ”.
Tuy nhiên, tôi bao giờ cũng suy xét và chưa bao giờ thấy tức giận, thậm chí cảm ơn các mẹ rất nhiều vì ít nhất đã nói ra được suy nghĩ và cảm xúc thực của mình để tôi cũng rút ra được nhiều vấn đề hơn trong tâm lí mỗi người. Tôi hiểu đó không phải là do cha mẹ xấu tính hoặc bảo thủ vô căn cứ mà chỉ bởi sự hoang mang, lo lắng thậm chí hoảng hốt khi tự nhiên mang con đến mà thu một “rổ nhược điểm” của con về khi chưa lường trước… nên không muốn, không dám nhìn vào vấn đề, và phải cố để tìm ra một ưu điểm hoặc một lí do nào đó để thấy thoải mái hơn. Đó là tâm lí và cảm xúc bình thường của con người, đặc biệt là bậc làm cha mẹ. Chỉ hơi mất vui một chút là tại sao chúng ta không nghĩ thoáng ra “Đã là con người thì ai chẳng có nhược điểm chứ, thần thánh có khi cũng có nữa là”. Mặt khác, đến tôi hay các bạn cũng còn đang có rất nhiều vấn đề vì “Trường đời có bao giờ tốt nghiệp được đâu”, phải học và luôn hoàn thiện từng ngày cho đến khi ra đi mãi mãi. Vì vậy, việc biết nhược điểm của bản thân hay của con chỉ đơn giản để phát triển tốt hơn và tốt nhất thôi.
Nhưng đó là số rất ít đến với tôi như vậy, còn lại phần lớn thì các cha mẹ đã nhận ra và đang loay hoay, hoảng hốt thực sự trong vấn đề của con cái. Họ rất tích cực và lắng nghe, hiểu và chia sẻ chân tình. Họ cũng là nguồn động lực rất lớn để tôi tiếp tục sự tâm huyết của mình. Có mẹ thốt lên rằng: “Chị ơi em bất lực rồi!” hoặc “Chị ơi, em thực sự hoang mang quá!”, hoặc có ông bố khổ sở nói rằng: “Nói thật với em nhiều lúc vợ chồng anh thấy phải buông xuôi thôi vì mệt mỏi quá rồi!”.
Thế đấy bạn ạ! Nuôi dạy con phần nhiều là bản năng, chẳng có trường lớp nào dạy hoặc làm thay được. Bạn có đi nghe tôi hay những người khác chia sẻ thì cũng chỉ biết vậy chứ có ứng dụng được là bao, mà có khi cũng chẳng ứng dụng được hoặc ứng dụng rồi còn tệ hơn. Xã hội hiện đại, kinh tế phát triển, cuộc sống ổn định hơn và sự bao bọc con, chiều chuộng con, lo đầy đủ cho con quá… luôn thường trực trong mỗi gia đình. Vô tình thôi nhưng hầu hết các cha mẹ đang nuôi dưỡng ở con rất nhiều tính cách không tốt với sự đòi hỏi, sự lười biếng, chỉ biết ỷ lại, dựa dẫm, sự vô tâm hời hợt, ý thức kém, trách nhiệm kém… Những tính cách này trong con cứ hồn nhiên phát triển mà đến con cũng không nhận ra. Con cứ tự do theo ý mình mà ít có sự lắng nghe, ít có sự hợp tác… thậm chí là sự phản kháng buông bỏ làm sao phải đạt được ý của mình đến cùng… không kiên trì, không vượt khó… không nhận thức được nên hay không nên… không quan tâm đến cảm xúc hay tâm lí, hoặc sự mong muốn của cha mẹ và của những người xung quanh.
Tuy nhiên, có thực sự con cái muốn như vậy không? Khi tiếp xúc với các con càng nhiều, với nhiều tính cách, thái độ, suy nghĩ, cảm xúc, tâm lí, hành vi… khác nhau của các con luôn khiến tôi phải trăn trở, thậm chí bản thân cũng cảm thấy loay hoay không biết phải diễn tả hay diễn đạt như thế nào để lột tả hết được những gì mà con cũng đang phải trải qua, những gì mà cha mẹ và con đang không thể hiểu nhau, những gì mà bản thân con cũng không hề muốn nhưng nó cứ vậy đấy, những gì mà bản thân con cũng bất lực không khác gì cha mẹ vậy. Con loay hoay đến ngơ ngác trong sự thụ động đến đáng thương. Và bởi bản thân không biết nên cứ thế sai hết lần này đến lần khác, sai hết vấn đề này đến vấn đề khác. Rất nhiều con học đến cấp 2, cấp 3 lì lợm đến bất cần với cha mẹ, ban đầu cũng gai góc bất cần với tôi, nhưng sau vài phút thì lại sẵn sàng khóc với tôi như một đứa trẻ đang học mầm non vậy. Mọi áp lực vô hình cứ ngầm sâu, len lỏi trong từng ngóc ngách của cảm xúc, tâm lí để trở thành những thái độ, hành vi không mong muốn khiến cha mẹ phải nóng tính hoặc phải buồn bã… Chỉ cần chạm nhẹ vào một vấn đề nào đó là con đã nức nở, thậm chí có con ngại nên khóc trong sự gồng mình lên để không phát ra thành tiếng mà cũng không được, rồi nước mắt vẫn trào ra trong sự nghẹn ngào, đến tôi cũng phải khóc theo.
Với các bậc cha mẹ cũng thế, họ cũng không biết mình đã cố ý hay vô tình, và vẫn cứ lặp đi lặp lại sự hoang mang cuống quýt đến mất phương hướng. Tôi nhận thấy mình là người cũng khá kiên trì và có chữ nhẫn với nhiều cung bậc thái độ, cảm xúc, tâm lí của các cha mẹ trong quá trình tiếp cận. Vì vậy trong tư vấn hoặc trong các chương trình chia sẻ, tôi đã không ngại đưa ra hết những gì cảm nhận thấy, nhìn thấy… với những ví dụ cụ thể con đang như vậy, cha mẹ đang như thế. Rất may mắn rằng, hầu hết luôn được sự đồng ý là nhận diện đúng để làm niềm an ủi rằng mình đã đi đúng hướng cho sự tâm huyết không bị thừa thãi trong thế giới sống này. Nhưng có một điều lạ lùng rằng ai cũng nói “Khó có thể làm được, khó có thể thực hiện được do sợ không có thời gian, vì về đến nhà chăm con ăn uống, học hành là hết thời gian” hoặc “Không thể quyết liệt được vì do ông bà hoặc do bố, do mẹ…” hoặc “Cứ muốn quyết liệt nhưng không vượt qua khỏi sự sợ hãi rằng con sẽ thế này hay thế kia… đến xót xa”.
Bạn cũng biết ngày nay, khi mà có rất nhiều các diễn giả và các chuyên gia chia sẻ cách dạy con, các cha mẹ cũng thức thời hơn nên rất chịu khó đi nghe để học hỏi… nhưng ứng dụng hay không hoặc ứng dụng được hay không thì tại tùy thuộc vào quan điểm có thấy đúng không, có cần không và có hợp không, hoặc cha mẹ có kiên trì, tỉ mỉ, quyết liệt đến cùng không? Nên rất ngạc nhiên là, đến với tôi, các cha mẹ càng đi nghe nhiều, học nhiều lại càng thấy hoang mang đến lộn xộn, thậm chí đa nghi hơn về cái sự thành công trong các cách dạy con. Không phủ nhận có một số ít các mẹ cũng rất cầu toàn và đã làm được, nhưng thường là phải rất tỉ mỉ, rất linh hoạt… Mặc dù, tôi thấy cách mà mọi người hay chia sẻ đều rất đúng và nó không có gì quá cao siêu, bởi luôn dừng lại ở thực tế mà bất kì cha mẹ nào thời cách đây vài chục năm cũng đã từng được trải qua, có hay chăng là bổ sung thêm các kĩ năng, suy nghĩ phù hợp với thời hiện đại.
Đó là con phải tự làm việc của mình, con phải tự học, con phải nghe lời, con phải biết nói tốt, con phải biết chơi hòa thuận vui vẻ với bạn bè, những thời đó đâu có ai dạy, tự bản thân chúng ta phải lĩnh hội qua sự không làm hộ, không bao bọc của chính cha mẹ mình mà thôi. Cứ thế tự mà quan sát, tự mà nghe, tự phải biết làm, làm sai thì bị nhắc nhở và tự mà điều chỉnh. Tự ý thức mà phát triển bản thân, thích học thì được đi học, không thích học thì nghỉ ở nhà làm việc, đói thì ăn, không đói thì không ăn, muốn mặc thì phải giặt không thì khỏi mặc… Mà chúng ta được tự mình, nên ai cũng phát triển có đến mức khiến nhiều cha mẹ phải khổ sở như ngày nay đâu nhỉ. Tôi vẫn hay nói vui với mọi người rằng: “Chẳng phải nghe tôi hay nghe ai, cha mẹ cứ ngược dòng ngày xưa mình phải tự làm mọi việc, phải làm từ bé, phải tự mà học và chịu trách nhiệm, phải tự giải quyết các vấn đề với bạn bè… thì thấy rằng dạy con không quá phải nặng nề, và cha mẹ cũng có thể là chuyên gia của chính con mình”. Nói như vậy không có nghĩa là không học hỏi sự văn minh hơn và những phương pháp hiện đại hơn từ các nước tiên tiến. Nhưng rõ ràng những thứ cha mẹ cần ở con về tính cách, nhân cách sống, ý thức trách nhiệm, kiên trì, vượt khó, biết suy nghĩ… thì nó là những gì cần vận hành đời thường nhất trong cuộc sống hàng ngày chứ đâu có cao siêu. Chỉ cần cha mẹ và con đồng hành trải nghiệm một cách nghiêm túc thì con sẽ có được, mà cha mẹ không phải áp lực, đau đầu.
Không phủ nhận tôi là người rất kĩ tính, thẳng tính, nên cứ tiếp cận với các con, tiếp cận với cha mẹ lại luôn thấy “thật buồn, thật đáng tiếc nhưng cũng thật bất lực’’ khi mà cha mẹ và con cứ mãi không tận dụng được những gì bình dị nhất, nhỏ nhoi nhất nhưng lại là cần thiết nhất trong cuộc sống thường ngày để cùng nhau phát triển thoải mái hơn, điềm nhiên hơn…
Mách nhỏ, tôi là người cực kì kém trong việc viết lách. Vì nói thật, tôi thích nói hơn là ngồi diễn tả. Nhưng trong nhiều năm nay, có rất nhiều các cha mẹ cứ hỏi tôi “Cô (bác) có cuốn sách nào không?”, “Tại sao chị không viết sách”, “Chị ơi viết sách chia sẻ với mọi người đi”… nên tự huyễn hoặc mình với khả năng viết một chút vậy.
Vâng! Và dự án miễn phí cho cộng đồng hay cuốn sách “Mặt trái của yêu thương” này hoàn toàn tôi chia sẻ với những suy nghĩ chân thực nhất, không có chút huyễn hoặc hay vuốt ve hay cố gắng để mượt mà câu chữ; để chỉ mong muốn khi các bậc cha mẹ hoặc các con đọc sẽ có cảm nhận đời thường nhất về các vấn đề và về sự phát triển tự nhiên nhất cho con. Vì vậy, nếu bạn cảm thấy thật khô khốc và khó tiếp nhận ngay, thông cảm nhé, vì tôi viết và chia sẻ bằng chính sự loay hoay, trăn trở của mình… và từ chính những khoảng trống đến hoang mang vô thức của cha mẹ và các con đã đến với tôi là đủ!
Thân ái!