Một người biết lắng nghe sẽ dễ dàng gây thiện cảm và sự tin tưởng đối với người khác. Tuy nhiên, trên thực tế không phải ai cũng biết lắng nghe và biết cách lắng nghe một cách biểu cảm để tạo niềm tin yêu cho người khác. Vì vậy, hãy rèn luyện, dạy dỗ con từ nhỏ để khi lớn lên, bé luôn là người lịch sự, biết lắng nghe, thông cảm và tạo được sự tin yêu với mọi người. Có rất nhiều cách đơn giản để bạn dạy cho con những kỹ năng cần thiết để trở thành một đứa trẻ biết cách lắng nghe:
– Để giúp con bạn học cách lắng nghe, khi nói chuyện hãy nhìn vào đôi mắt của trẻ. Điều đó làm cho trẻ hiểu trẻ rất quan trọng, cha mẹ rất cần trẻ lắng nghe, nó vừa khiến trẻ tò mò lại rất thích thú bởi cảm giác mình được tôn trọng như một người lớn vậy.
– Khi nói chuyện với trẻ, hãy dùng một giọng nói nhẹ nhàng, thỉnh thoảng chỉ thì thầm thôi, bạn sẽ rèn cho trẻ cách lắng nghe, tập trung và chú tâm vào câu chuyện.
– Hãy tỏ ra ân cần, tôn trọng và lịch sự khi trò chuyện với con. Bởi vì, cũng như người lớn, trẻ không thể lắng nghe khi chúng cảm thấy cách nói chuyện của bạn khó chịu, không hấp dẫn, không quan tâm đến trẻ, không làm trẻ cảm thấy cần phải ngồi nghe. Một khi trẻ cảm thấy được tôn trọng, lịch sự, chúng sẽ cố gắng ngồi lại bằng thái độ tôn trọng và lịch sự không kém.
– Dạy trẻ cách lắng nghe bằng cách lắng nghe chúng. Hãy gợi ý cho con kể câu chuyện của chúng. Hãy kiên nhẫn lắng nghe, nhìn vào đôi mắt trẻ và không ngừng khuyến khích, “Ồ thế à”, “Rồi sao nữa con”, “Câu chuyện của con thật thú vị”…
– Đừng xao lãng hoặc làm ngơ khi con bạn muốn nói chuyện với bạn. Điều này thể hiện thái độ lịch sự để trẻ hiểu rằng khi ai đó muốn nói chuyện, tâm sự với mình thì hãy lắng nghe bằng tất cả sự quan tâm, bởi vì họ đã tin tưởng, cần mình và rất yêu mến mình.
– Nói ngắn gọn, và hướng đến trung tâm của vấn đề, tránh dông dài và tranh cãi, trẻ không đủ kiên nhẫn để lắng nghe những điều mà chúng không hiểu hoặc điều gì đó mà chúng cảm thấy không quan trọng, không muốn quan tâm.
– Dùng ngôn ngữ, cách diễn đạt của trẻ khi nói chuyện với trẻ, cố gắng dùng những từ ngữ đơn giản, rõ nghĩa và dễ hiểu để chúng dễ dàng cảm nhận được, tránh diễn đạt dài dòng, ngôn ngữ phức tạp, khó hiểu, chúng là làm giảm đi một nửa sự hấp dẫn của câu chuyện.
– Cuối cùng, hãy đưa ra quan niệm và suy nghĩ của riêng bạn khi trẻ đã kết thúc câu chuyện hoặc đã kết luận vấn đề, đừng cắt ngang câu chuyện của con, cũng đừng vội vã khuyên nhủ, dạy bảo, hãy để bé chủ động suy nghĩ về chúng trước bạn.
Trả lời