Phạm Hiền may mắn tiếp cận với nhiều tâm sự của anh chị em, các con và thực sự thấy chúng ta cứ mãi tạo nỗi khổ cho nhau trong mọi vấn đề có duyên được có. Kể cả sự nhận giúp đỡ cũng mang đến nhiều oán hờn, thậm chí xa cách nhau trong sự cạch mặt, ăn thua, vô ơn đến tận cùng! Đó còn gọi là văn hóa sống “tệ khi nhận”.
– Khi đang nghèo, đang thiếu mà được giúp thì rất trân quý. Nhưng khi khá hơn sẽ luôn muốn thể hiện mình có nên không muốn nhìn lại quá khứ mà cố rời xa người giúp để giấu mình đi. Nếu ai đó không để ý mà vẫn giúp thì ngay lập tức cảm giác sỹ diện sẽ nổi lên và sẽ luôn thấy rất ấm ức, khó chịu trong sự cho rằng họ cậy có tiền mà coi thường mình!
– Khi người khác cho mình thứ gì đó mà không hợp phong cách, không hợp khẩu vị hoặc người cho là người mình đố kỵ, ghét …, sẽ sẵn sàng lẩm bẩm mà chửi thầm chê bai thậm chí ném nó đi cho bõ tức giận. Và chẳng phải đây là văn hóa sống tệ khi nhận hay sao?
– Khi có vấn đề mà người khác nỗ lực giúp kể cả mắng mỏ, nặng lời một chút để tỉnh ngộ mà thay đổi để được mục đích cho mình thì rất ok lúc đó. Nhưng sau khi đã bình ổn sẽ để bụng, cố chấp tìm mọi cách để trả đũa cho bõ tức, mà không biết đích đến của người giúp mình là cho mình đạt được điều tốt hơn nên đã coi mình như anh chị em vậy.
– Nhận nhiều nên quên mất bản năng phải cho đi, nên ai đó đang cho, đang giúp mà dừng lại thì sẽ oán trách họ thế này, thế kia không nghĩ cho mình từ đó oán trách, kêu than. Thử hỏi cách ứng xử như vậy có được gọi là văn hóa sống tệ khi nhận hay không!
Còn khá nhiều tình huống mà người giúp trở nên xấu xí từ chính sự xấu xí của người nhận. Nó cũng là nguồn cơn mà nhiều người phải ém đi lòng tốt sẵn sàng giúp đỡ người khác để không muốn phiền phức, thậm chí va chạm hoặc mất đi mối quan hệ. Hãy sống đẹp, hãy thả lòng và tích cực để cuộc sống mình trở nên tốt đẹp bởi bạn xứng đáng được nhận những điều đó.
Trả lời