Tại sao có rất nhiều con trẻ bị nuôi dưỡng những bất ổn trong tâm lý, thậm chí sang chấn tâm lý khi con tham gia vào đầu các cấp học mà hầu hết các bố mẹ không mấy nhận ra. Bởi nó là sự âm thầm ngấm ngầm len lỏi mà nhiều khi đến các con cũng không thể cảm nhận được, cho đến khi nó đã trở nên phải bùng phát ra thì đã muộn.
Vào năm học mới cha mẹ hãy quan tâm đến các con thật nhiều. Bởi đôi khi chỉ một chút bàng quan hoặc một chút vô tình không biết sẽ khiến con rất thiệt thòi.
1. Các sang chấn khi con vào học mầm non
Do đang được chăm sóc như củ ấu nên các con sẽ chủ yếu chỉ thích nghi với ông bà, bố mẹ. Đặc biệt giai đoạn này mới bắt đầu để được trải nghiệm học tập mọi thứ từ cách chơi, cách ngồi để nghe, cách tương tác với yêu cầu của thầy cô nên khiến con sẽ dễ bị loay hoay mà trở nên sợ hãi, để rồi thu mình lại hoặc có thể con quen với hoạt động tự do mà từ đó phát triển dần các thói quen không tốt về hành vi, cảm xúc…
P/s: Lưu ý giai đoạn này các con dễ bị nuôi dưỡng sự nhút nhát, giao tiếp yếu, mất tập trung, thụ động tư duy (dễ bị nhầm với khả năng ghi nhớ) và các biểu hiện của tăng động giảm chú ý (ADHD), rối loạn lo âu.
2. Chú ý các sang chấn khi con vào lớp 1
Đây là mốc có thể cực kỳ khốc liệt với những đứa trẻ vừa thoát khỏi ấu thơ được chăm bẵm, phục vụ để tham gia vào môi trường phải tự lập. Nó là mốc quan trọng đến mức có thể huỷ hoại dần từ nhận thức, tâm lý, cảm xúc, hành vi của con trong cả tương lai.
=> Khủng hoảng tâm lý do sợ cô giáo: Vì con sẽ không còn được vuốt ve mà phải tham gia vào nguyên tắc với sự nghiêm khắc cao.
=> Khủng hoảng tâm lý do bạn bè: Vì con sẽ làm quen với những người bạn mới. Đôi khi sẽ không được chấp nhận nếu giao tiếp kém nên các bạn không cho vào đội.
=> Khủng hoảng tâm lý do phải học: Vì mẫu giáo đến học chủ yếu là ăn, chơi, ngủ… còn bây giờ thời gian chủ yếu là học và học.
P/s: Hãy chú ý nếu con là đứa trẻ nhút nhát, khó chơi được với bạn bè, khó tự lập, hay đòi hỏi, khó tập trung, dễ căng thẳng sợ hãi… Đây là giai đoạn con dễ bị phát tác các bất ổn như tăng động giảm chú ý, quan hệ bạn bè không tốt, căng thẳng tâm lý, rối loạn lo âu.
3. Chú ý các sang chấn khi con vào cấp 2
Đây là mốc tiếp theo để tiếp tục thêm gánh nặng với những đứa trẻ đã không thể hiện được bản thân trong tiểu học. Đặc biệt những đứa trẻ quá thu mình hoặc hay bị bắt nạt, tẩy chay. Thậm chí là những đứa trẻ học tốt, rất ngoan nhưng giao tiếp kém, trầm và khó thích nghi. Nó là giai đoạn nuôi dưỡng bất ổn tâm lý nhanh hơn, con trẻ dễ rơi vào bĩ cực khó chấp nhận hơn tiểu học vì cái tôi của con đã lớn. Sự phá bĩnh buông học, lì bướng và chống đối hoặc bất kỳ vấn đề nào bất ổn không phải đến tuổi dạy thì con mới vậy và sẽ hết mà nó chính là nhận thức, tính cách…, đã được hình thành để tiếp tục thành thói quen, tính cách cho tuổi trường thành.
=> Khủng hoảng tâm lý do thay đổi cách quản lý học tập: Không còn một giáo viên chủ nhiệm dạy các môn mà thay vào đó là nhiều thầy cô khác nhau. Thay bằng cô giáo chủ nhiệm hướng dẫn chi tiết thì cô giáo chủ nhiệm chỉ quản lý nhắc nhở.
=> Khủng hoảng tâm lý do sự đòi hỏi cao về cách tương tác bạn bè: Bắt đầu các con biết phán xét, chơi theo kiểu nhóm cùng sở thích chơi…, đòi hỏi phản xạ ứng xử, giao tiếp nhanh trong mọi vấn đề và nếu chậm chạp sẽ dễ bị đẩy lùi hoặc đẩy xa ra khỏi các bạn thậm chí sẽ bị tẩy chay hoặc tự cô lập.
=> Khủng hoảng tâm lý do thay đổi cách học: Trước thì cô giáo đọc chậm để viết từng chữ, giảng chậm để nghe từng từ…., thì bây giờ thầy cô mỗi người dạy một phong cách khác nhau, đọc nhanh, giảng nhanh…, học sinh phải tự nhanh để nghe kịp, viết kịp.
=> Bất ổn tâm lý do bắt đầu muốn thể hiện bản thân hiểu biết hoặc biết chơi: Đứa trẻ nhút nhát thì thấy lạc lõng để rồi trong chấp nhận mà thấy chán nản không có năng lượng học hoặc bị lôi kéo để rồi a dua xấu. Đứa trẻ nghịch ngợm thì tiếp tục phát triển với sự nông nổi cao hơn.
P/s: Ở giai đoạn này đã có rất nhiều đứa trẻ thực sự khổ sở và bố mẹ thì bất lực. Nó cũng là giai đoạn mà những căn bệnh tâm lý (trầm cảm, tâm thần phân liệt….) bắt đầu tiềm ẩn để rồi có thể sẽ ngăn cản sự phát triển của con.
4. Chú ý các vấn đề khi con vào cấp 3
Trong mốc này là sự rõ nét nhất của những con trẻ có khả năng tự phát triển tốt và những đứa trẻ không có khả năng trưởng thành thậm chí những đứa trẻ có nguy cơ chệch hướng cao.
Sau kì thi cấp 3 khốc liệt con trẻ bước vào năm học cấp 3 đầu tiên với tâm thế được xả hơi nên dễ sa đà game, các tệ nạn học đường và có nhiều con trẻ cấp hai rất ngoan nhưng cũng tự nhiên ngỗ ngược, a dua theo xu thế hưởng thụ, a dua xấu.
Mặt khác các yếu kém như nhút nhát hoặc trong tâm lý thấy bất công, bản thân bị áp đặt…, sẽ tạo ra những đứa trẻ dễ mất kiểm soát để trượt dốc không phanh hoặc những đứa trẻ bị trầm cảm, tâm thần phân liệt.
5. Chú ý các vấn đề khi con vào đại học
Mười hai (12) năm học với tâm thế bị kèm sát, bị áp đặt từ cả gia đình và trường lớp dường như khiến con trẻ như được xả hơi trong những năm học ĐH. Chúng thấy mình như đã được tự do nên càng vỗ ngực để thể hiện quyền người lớn.
Sự hưởng thụ từ chơi đến vật chất rõ nét và cao hơn. Không có phải tỏ ra có, xu thế ảo từ cấp 2, cấp 3 sẽ được đưa vào thành quan điểm, thành chân lý để vận hành trong cuộc sống.
Chỉ đến khi con muốn bỏ học vì nghĩ rằng nó chẳng để làm gì hoặc bị nợ môn nhiều nên chán hoặc cho rằng nghề đang học không thích vì bị ép hoặc học rồi mới thấy không phù hợp nên đi tìm học cái khác hoặc muốn đi kiếm tiền để mua thứ mình muốn (đa cấp, chạy bàn, grab…)
Ngày càng nhiều con trẻ học đại học ra chẳng thể làm được gì và tạo cho xã hội một cái tội là không có công việc cho sự lười biếng muốn nhàn lương cao, muốn làm chủ khi đầu rỗng chẳng có gì….
Đọc đến đây bạn nên hiểu đúng chắc chắn không phải đứa trẻ nào cũng gặp phải những bất ổn khi con tham gia vào các cấp học như đã đưa ra ở đây. Nhưng rõ ràng ngay tại lúc này các bố mẹ cũng không thể chắc chắn 100% rằng con mình có thể không bị các nguy cơ đó.
Đây là những bài học xương máu thực sự từ các con mà Phạm Hiền đã gặp trong quá nhiều năm nay. Hy vọng duy nhất là các bố mẹ không thể chủ quan hơn mà hãy tâm sự và chia sẻ với con từng ngày để cố gắng cùng con tháo gỡ từng bất ổn ngay trong từng mốc quan trọng của tương lai và cuộc đời con.
Trả lời