“Trẻ bước vào lớp 1 sẽ có sự thay đổi lớn về môi trường học tập. Vì vậy việc chuẩn bị tâm thế và trang bị các kỹ năng học tập cho trẻ là rất cần thiết” – Đó là chia sẻ của chuyên gia tâm lý Phạm Hiền với báo GD&TĐ.
* Một trào lưu đang diễn ra hiện nay là khá đông phụ huynh cho con học kiến thức trước khi vào lớp 1, bà nhìn nhận về hiện tượng này như thế nào?
Xuất phát điểm của trào lưu này từ sự lo lắng hoang mang, sợ con mình không theo kịp các bạn, sợ con mình có thể bị ảnh hưởng tâm lý từ thầy cô giáo, nếu như con không biết trước các kiến thức.
Song song với đó còn là kỳ vọng mong muốn con mình biết trước, để thể hiện bản thân tốt nhất ngay khi vào lớp. Và chắc chắn đó là xu thế và kinh nghiệm tiếp nối từ các phụ huynh đi trước. Điều này tạo thành một trào lưu phổ biến, mà nếu không cho con đi học trước thì vẫn lo sợ, hoang mang với rất nhiều các lý do khác nhau.
*Vậy việc cho con học trước kiến thức, sẽ có lợi hay hại gì đối với đứa trẻ?
Thứ nhất, nếu nói về tinh thần: Trẻ được học rồi sẽ không có gì là mới mẻ, nên ngay từ bài đầu tiên con có cảm giác nhàm chán, mất hứng thú, chủ quan, không tập trung.
Mặt khác, khi con trẻ bị gò ép quá sớm sẽ dẫn đến sự căng thẳng, thậm chí ám ảnh và sợ hãi. Đó là lý do ngày càng có nhiều trẻ do bị áp đặt, bị quát mắng, bị dồn ép quá đã rơi vào trạng thái tâm lý bất ổn, rối loạn cả cảm xúc, hành vi….
Ví dụ như trẻ phản kháng việc học bằng cách trêu chọc bạn, quậy phá trong giờ, hoặc lơ đễnh cao độ…. Vì đơn giản trước đó nếu không phải đi học con được chơi thoải mái và không bị mắng vì viết xấu, vì lười học….
Thứ hai, về kiến thức tiếp nhận: Khả năng tiếp thu kiến thức cứng trong độ tuổi này có hạn. Khi bị ép quá thì nhận thức sẽ bị chai lì, thậm chí tắc tị và trở nên đông đặc, ảnh hưởng đến sức ỳ của não bộ. Cụ thể là trẻ dễ có tư duy thụ động trong nhận thức sau này.
Thứ ba, về thể chất: Do cơ tay vẫn còn yếu, nên con sẽ dễ bị sai lệch tư thế, từ đó khiến độ mềm dẻo để viết cũng như phản xạ viết sau này bị hạn chế. Mặt khác, khi tinh thần bất ổn cũng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và các hoạt động khác của con.
*Khi trẻ thay đổi về môi trường giáo dục từ mầm non lên tiểu học, theo bà trẻ sẽ có những xáo trộn như thế nào?
Thứ nhất: Xáo trộn tâm lý do thay đổi về thói quen tương tác thầy cô là một rào cản lớn. Vì khi ở mầm non, các con được sự tiếp cận để chăm bẵm, thậm chí vuốt ve yêu chiều.
Nhưng khi vào lớp 1, các cô có sự nghiêm khắc hơn, gò con vào nguyên tắc nên con dễ sợ hãi thu mình lại (nhút nhát, tâm lý yếu) hoặc phá ngang (nghịch ngợm, không nguyên tắc).
Thậm chí có nhiều con ở mầm non rất nhanh nhẹn, tự tin, nhưng khi vào học lớp 1 vì phải nghe lời răm rắp nên tự mất đi khá nhiều khả năng, tố chất vốn đã có.
Thứ hai, Việc xáo trộn tâm lý còn do sự thay đổi về thói quen tương tác bạn bè. Khi ở mầm non các con chơi với nhau trên sự dẫn dắt của thầy cô nhiều hơn và thường chơi bằng các hoạt động hành vi chạy nhảy, lắp ghép và khám phá đồ chơi…
Nhưng khi vào lớp 1, các con không những phải học cùng với các bạn hoàn toàn mới, mà còn phải tự làm quen, thậm chí các con đã biết chọn bạn hợp để tạo thành nhóm chơi. Nên nếu với các con không có khả năng chủ động sẽ loay hoay không có bạn chơi, hoặc không được cho chơi.
Đây là lý do mà với các con nhút nhát dễ thu mình ngay ngày đầu tiên đi học. Thậm chí các con rất nhanh nhẹn, cá tính mạnh ở tuổi học mầm non cũng dễ bị cô lập, vì không có bạn. Lý do là con không thể theo ý mình như mầm non, mà phải theo bạn. Nên nếu con không muốn sẽ tự rút lui, hoặc bị các bạn không cho vào nhóm.
Thứ ba, Xáo trộn tâm lý từ phương pháp dạy và học, khiến nhiều con cũng dễ bị ngợp, tạo sự căng thẳng ngầm bên trong mà nhiều khi bố mẹ cũng không nhận ra. Ví dụ như con phải ngồi lâu hơn trong một môn học, phải chủ động nghe giảng, các kiến thức khó hơn, phải chủ động chép bài, phải cố gắng hiểu vấn đề thật nhanh…. Trong khi ở mầm non con thích thì nghe, không thích thì chơi… mà chẳng ảnh hưởng gì vì không phải thi cử, không bị kiểm tra bài…
* Thay vì cho con học trước chương trình, các phụ huynh nên có những giải pháp chuẩn bị tâm thế cho con ra sao?
Quan trọng nhất bố mẹ vẫn phải là người chuẩn bị cho con kiến thức về việc đi học sẽ như thế nào? Học để làm gì? Có những niềm vui gì, có những khó khăn gì con cần vượt qua?…
Việc trang bị tâm lý, kỹ năng cho trẻ thông qua cách nói chuyện thường xuyên, trực tiếp vào từng vấn đề, thông qua việc liên hệ cảm nhận của bố mẹ thời đi học, thông qua việc đóng vai nếu là bố mẹ thì sẽ như thế nào… hoặc bố mẹ nên cho con tiếp cận với các anh chị đã từng đi học lớp 1 để nói chuyện với con, giới thiệu cho con nhìn thấy ngôi trường con sẽ học, cũng như cho con quan sát các hoạt động của học sinh ở sân trường để con cảm nhận thực tế…
Đó là các bước để tạo hành trang cho những hứng thú đi học, tâm lý đón đầu cả những gì vui và những gì khó khăn, cũng như các kỹ năng để xử lý trong từng tình huống con có thể gặp.
* Vậy phụ huynh có nên cho con tham gia các CLB tiền lớp 1 hay không?
Nếu có điều kiện, phụ huynh nên cho con tham gia CLB tiền lớp 1 là rất tốt. Ở các nước thì mô hình này đã được thực hiện từ rất lâu.
Tuy nhiên, điều quan trọng vẫn là cần biết chính xác các con trong độ tuổi này có gì, yếu gì, thiếu gì để cần chuẩn bị những gì: Đó là hành trang tâm lý, bản lĩnh đón đầu, khả năng giải quyết vấn đề, kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng chơi…
Điều này tạo cho con khả năng tương tác trong sự tự tin, chủ động, an toàn, tính nguyên tắc kỷ luật trong chơi ra chơi và học ra học chứ không phải là học về đọc hay viết…
*Xin cảm ơn bà!
Trả lời