Cách giao tiếp và ứng xử với con là cả một nghệ thuật. Nghe sao cho con nói, nói sao cho con nghe không hề dễ dàng với các cha mẹ thậm chí khá khó khăn. Với bản năng làm cha mẹ thì không cần phải uốn lưỡi trước con, càng chẳng cần phải nhún nhường trước chúng, nên nó cũng là dấu mốc để càng lớn con càng có khoảng cách xa hơn với cha mẹ.
Dưới đây là một trong những cách xử lý tình huống trong giao tiếp ứng xử với con, mà hầu như cha mẹ nào cũng từng gặp phải.
1. Chê bai con trước người khác
Con trai vừa nhảy chân sáo vừa hát rất hào hứng “yêu em anh không đòi quà…” và không để ý trong nhà có khách.
Mẹ: Con la lối um sùm cái gì thế, không chào cô đi à?
Con trai tắt giọng hát và miễn cưỡng chào lí nhí: Cháu chào cô ạ (cậu thấy cụt hứng, xấu hổ với khách)
Mẹ: Đấy cô thông cảm, con với cái, nói mãi cũng chỉ đến thế thôi, phát xấu hổ với chúng nó.
Khách: Tụi nó còn nhỏ mà, con nhà em cũng thế thôi.
Con trai nghe thấy lẩm bẩm: Lắm chuyện.
Mẹ: Lại lẩm bẩm cái gì đấy?
Con: Con nói gì đâu, mẹ lắm chuyện. (và hậm hực chạy vào phòng)
Mẹ quát với theo: Cứ liệu liệu đấy, tý nữa mẹ xử lý.
Con trai: Cảm thấy thật bực tức, vào phòng đá thúng đụng nia cho bõ tức.
2. Tế nhị với con trước người khác
Con trai vừa nhảy chân sáo vừa hát rất hào hứng “yêu em anh không đòi quà…” Và không để ý trong nhà có khách.
Mẹ: Con trai hôm nay có chuyện gì vui thế, cô B đến chơi này con
Con trai cười tươi và dõng dạc: Con chào cô, con chào mẹ ạ!
Khách: Chào con, trông con lớn quá rồi!
Mẹ: Vẫn trẻ con lắm, nhưng mà ngoan!
Con trai: Con của mẹ mà hiiiii
Khách: Hai mẹ con vui tính quá
Con trai: Con chào cô con về phòng ạ,
Cậu ta về phòng và hào hứng hát tiếp “yêu em anh không đòi quà…” tâm trạng thấy thật tuyệt!
Thực ra, con cái lơ đễnh là chuyện bình thường, không nên vì chút sỹ diện của cha mẹ với một ai đó mà khiến con mất đi sự sỹ diện của bản thân con. Đôi khi sự bỏ qua của cha mẹ là đi kèm sự hướng dẫn, nhăc nhở tế nhị giúp con thay đổi tụ nhiên mà không bị áp lực. Đó là cách giao tiếp và ứng xử với con đầu tiên cha mẹ cần chú ý đến!
Trả lời