Sáng 19/4/2015, Công viên nước Hồ Tây (Hà Nội) mở cửa miễn phí cho du khách tắm trong 2 tiếng. Hàng ngàn người từ trẻ nhỏ đến người lớn ùn ùn kéo đến gây quá tải. Để được vào tắm, nhiều người không quản nguy hiểm trèo tường vào trong. Đặc biệt, nhiều phụ huynh 1 tay ôm con nhỏ, tay còn lại cố gắng trèo qua cổng rào sắt. May mắn không ai bị thương nhưng nhiều cô gái rách cả nội y, “lộ hàng”, gây nên cảnh hỗn loạn, phản cảm. Bài chia sẻ được đăng trên báo Pháp luật và thời đại số 217 (ra ngày 4/5/2015).
Nhằm lý giải tâm lý bất chấp nguy hiểm, la hét chà đạp lẫn nhau chỉ đơn giản để vào tắm miễn phí, PL&TĐ có cuộc trao đổi với chuyên gia tâm lý Phạm Hiền.
Do tâm lý đám đông, “bầy đàn”
P/v: Thưa bà, bà có quan tâm đến sự kiện “vỡ trận” tắm miễn phí tại công viên nước Hồ Tây vừa qua không?
Khi sự việc mới xảy ra, qua các phương tiện truyền thông, tôi thấy hình ảnh những cô gái cố vượt cổng rào để được vào tắm nhưng không để ý, vì nghĩ chỉ là những hình ảnh nhảm nhí. Nhưng tôi bắt đầu quan tâm khi thấy cả hình ảnh các bậc phụ huynh ôm con cố trèo vào. Mỗi tuần tôi tư vấn cho hàng chục phụ huynh phàn nàn việc trẻ hư, thiếu ý thức. Nhưng khi nhìn thấy những hình ảnh trên tôi thực sự bất lực. Các ông bố, bà mẹ đang ngày đêm dạy dỗ con nhỏ tự biết cách bảo vệ mình, tránh khỏi bị xâm hại, tai nạn xe máy, tránh những việc xấu…Thế nhưng việc họ ôm con vượt tường rào nguy hiểm vô tình đã gián tiếp “dạy” chúng cách vượt ngưỡng nguy hiểm. Khi đã thực hiện được lần 1, đặc biệt là việc này thực hiện cùng cha mẹ, bọn trẻ sẵn sàng tự vượt ngưỡng nguy hiểm lần 2, lần 3. Thực tế ai cũng biết, ở độ tuổi đang lớn, trẻ nhỏ rất nhanh tiếp thu hành vi người lớn, nhất là cha mẹ. Do đó, mọi hành vi, lời nói của phụ huynh nên hết sức cân nhắc.
Nhìn những hình ảnh phụ huynh bế con trèo rào sắt, tôi thật sự buồn. Tôi luôn tâm huyết với việc tư vấn tâm lý cho các bậc phụ huynh trong việc dạy trẻ nhỏ, nhưng khi nhìn thấy những hình ảnh đó, tôi đã tự nhủ, liệu mình có nên tiếp tục tâm huyết nữa hay không? Tôi có cảm giác, những hành động kiểu tâm lý đám đông thế này rất phổ biến ở người Việt Nam, gần như là tư duy cố hữu, rất khó thay đổi.
P/v: Không chỉ phụ huynh, nam giới mà cả các cô gái cũng trèo rào, đến nỗi có cô rách cả nội y. Bà có ý kiến gì?
Phụ nữ vốn đẹp ở sự dịu dàng, đằm thắm, ý nhị; nên những hành động mang tính mạnh mẽ và tương đối thô như vượt rào, rách cả trang phục là phản cảm, là lố bịch. Tôi nghĩ, những bạn này khi đó không để ý đến hành động của mình, không lường trước được hậu quả. Chắc chắn khi nhìn lại những hình ảnh “xấu xí” của mình, các bạn ấy sẽ cảm thấy xấu hổ, không hiểu nổi vì sao khi đó mình lại như vậy.
P/v: Vậy bà lý giải như thế nào về sự việc vừa xảy ra?
Việc này có thể giải thích do tâm lý đám đông, “bầy đàn”. Theo tôi, khi đó người ta xuất hiện 2 hình ảnh, 2 suy nghĩ trong đầu: miễn phí và tắm. Hôm đó trời khá nắng nóng, oi bức, người ta kéo đến đó với tâm lý được tắm và không mất tiền. Khi đến nơi, bị cản trở do quá đông, không có đường vào, nhưng 2 mục đích trên vẫn thôi thúc trong suy nghĩ. Do đó, bằng mọi cách người ta muốn đạt được mục đích. Tôi nghĩ rằng khi thấy không có đường vào, rất nhiều người đã quay trở lại. Tuy nhiên, một bộ phận thấy tường rào khá thấp, có thể trèo vào. Nghĩ đơn giản và làm luôn để đạt được mục đích: tắm miễn phí. Nhiều người thấy vậy sẽ suy nghĩ, người khác trèo được thì mình cũng làm được. Cộng với 2 mục đích trên thôi thúc, thế là họ thi nhau vượt tường rào, bất chấp nguy hiểm rình rập và lòng tự trọng.
Tôi cũng cho rằng do tâm lý chiều con của các bậc phụ huynh. Khi định quay về, con cái không chịu, đòi tắm bằng được; nhất là lại thấy hình ảnh: “Có bạn trèo vào được kìa, con cũng muốn tắm”. Trong lúc nóng oi ả, phụ huynh vì chiều con cũng tặc lưỡi làm theo. Tất nhiên, theo tôi, sẽ có nhiều phụ huynh “dũng cảm” bỏ về, nhưng phải giải thích cho con.
Gây tổn thương lòng tự trọng
P/v: Nhiều người cho rằng việc này liên quan đến lòng tự trọng, bà nghĩ sao?
Ở Việt Nam tồn tại tư duy trọng vật chất hơn lòng tự trọng. Ở phương Tây, nếu thấy hành vi gì tổn hại đến danh dự, lòng tự trọng hoặc cảm thấy nguy hiểm thì họ sẽ từ bỏ. Nhiều người cho rằng, việc vượt rào để được tắm miễn phí là hành động hạ thấp lòng tự trọng là có lí. Tôi tin rằng, những người có lòng tự trọng cao, tôn trọng giá trị bản thân sẽ không lựa chọn hành động nguy hiểm và thiếu chuẩn mực ấy. Tôi cho đó là một hành động hồ đồ, thiếu suy nghĩ.
P/v: Một số hình ảnh phản cảm khác: Trong khi tắm một số thanh niên trêu ghẹo, dồn đuổi một cô gái. Hay một cô gái khác bị nhóm thanh niên dồn vào góc bể bơi vây lại té nước, cô gái phải quay lưng, dùng 2 tay bịt mặt chống đỡ. Cô gái khác lại ngất lịm gần bể bơi. Bà bình luận gì về những hình ảnh này?
Đầu tiên phải nói đến cô gái. Ở những nơi “nhạy cảm”, rất dễ bị quấy rối tình dục như trên xe bus, rạp chiếu phim, bể bơi… thì nên lựa chọn trang phục phù hợp, an toàn. Đặc biệt, ở bể bơi, nơi mà đàn ông “trần như nhộng” thì các cô gái càng phải biết giữ mình. Nên chọn những điểm tắm nhiều con gái, hoặc nếu thấy đa số con trai thì tốt nhất không nên tắm cùng. Ngoài ra, khi bị trêu ghẹo, nếu càng phản ứng theo kiểu đanh đá sẽ càng khiến con trai tò mò, thích trêu tiếp. Nếu nghiêm túc ngay từ đầu, chắc cô gái không bị trêu chọc quá thể đến vậy.
Tuy nhiên dù có thế nào thì những cô gái này cũng là nạn nhân của trò đùa có phần ác ý của nhóm bạn trai. Nếu đàn ông sống đúng mực thì phải lịch sự, sẵn sàng giúp đỡ bạn gái khi cần. Đằng này lại hùa nhau lại, bắt nạt một cô gái yếu ớt thì thật không đáng “đấng nam nhi”. Tất cả những điều này đều xuất phát từ thói xấu là tâm lý đám đông. Nếu chỉ một vài nam thanh niên chắc không ai trêu cô gái “ác” đến thế. Còn hình ảnh cô gái bị ngất là bình thường. Có thể do cô này sức khỏe yếu, sức đề kháng kém nên khi quá đông lại ngột ngạt, hoặc do có thể trước đó đã cố leo trèo để được vào trong nên khi tắm quá sức đã bị ngất. Một người ngất đã là may, tôi nghĩ đáng ra phải chục người ngất. (Cười).
P/v: Qua sự việc này, liệu chăng đây có phải là hệ quả của việc thiếu sân chơi ở Thủ đô Hà Nội?
Việc thiếu sân chơi cho trẻ em là có thật. Nhưng sân chơi như bể bơi ở Hà Nội không thiếu, không quá tải. Việc “vỡ trận” ở công viên nước Hồ Tây là do tâm lý được chơi miễn phí. Hơn nữa, hôm miễn phí khí hậu khá nóng, các bể bơi khác đến đầu tháng 5 mới mở, trong khi những bể bơi 4 mùa giá thành đắt. Ngoài ra, Hồ Tây có không gian đẹp, không chỉ đi tắm mà du khách còn đi ngắm cảnh, du lịch nên khi biết có miễn phí, nhiều người đã đổ xô đến, gây ra hiện tượng nói trên.
Trả lời