Bí quyết dạy trẻ văn hóa ứng xử
Trẻ em cần được dạy văn hóa ứng xử ngay từ khi còn bé để khi lớn lên trẻ có thể hòa nhập tốt với xã hội. Giai đoạn trẻ bắt đầu biết phản ứng và học cách giao tiếp thông qua cử chỉ, giọng nói hay các biểu hiện bộc lộ rõ trên nét mặt chẳng hạn như mỉm cười, gật đầu đồng ý hay lắc lắc phản đối chính là lúc bố mẹ nên “huấn luyện” kỹ năng ứng xử, tạo thành thói quen cho con. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cả quãng đời còn lại của trẻ.
Biết chào hỏi lễ phép, đứng dậy khi người già tới, lịch sự với người phục vụ, ăn uống ý tứ là những quy tắc văn hóa ứng xử cơ bản cần dạy trẻ.
1. Chào hỏi lễ phép
Chào hỏi là một trong những hành vi ứng xử mang tính cơ bản và tối thiểu của con người, đặc biệt nó còn cực kỳ được coi trọng trong văn hóa Việt Nam. Nếu một ai đó không biết cất lời chào, lâp tức người đó trở thành kẻ kênh kiệu, thiếu giáo dục và không bao giờ gây được cảm tình đối với người khác. Vì vậy mà lời chào cần được dạy dỗ cẩn thận ngay từ khi trẻ còn nhỏ. Hãy dạy trẻ biết nói “Chào bác ạ” trước khi hỏi một người khách lạ “Bác là ai?”.
Không chỉ lời chào, thái độ và cách chào cũng phải được chỉ dạy tử tế, không phải chỉ nói được lời chào là xong. Khi chào, mắt phải nhìn thẳng vào khách, nở nụ cười và nên đứng lại vài giây chứ không vội vã chạy đi nơi khác, khách sẽ cảm thấy không được tôn trọng.
Trên thực tế, những trẻ từ nhỏ không được dạy dỗ cẩn thận thường không chịu chào hỏi khi lớn lên và nếu thực hiện lời chào cũng không thể hiện được sự lễ phép, kính trọng. Chính vì vậy, hãy dạy trẻ chào hỏi ngay khi trẻ đã biết nói rõ và đồng thời cha mẹ cũng cần thường xuyên thực hiện để trẻ làm theo.
2. Đừng dậy khi người già tới
“Kính lão đắc thọ”, đó là một nét văn hóa đáng quý trong văn hóa ứng xử của người Việt Nam. Nhiều đứa trẻ sẽ hỏi: “Vì sao phải đứng dậy khi người già tới, con đã chào rồi sao còn bắt con đứng dậy?”. Khi đó, người lớn cần phải giải thích cho trẻ hiểu rằng đứng dậy, đơn giản là thể hiện một sự lễ phép, kính trọng. Hơn nữa, đứng dậy vừa chào hỏi, vừa tỏ thái độ sẵn sàng nhường chỗ, mặc dù mình đến trước, và để xem mình có thể giúp gì được cho cụ già hay không.
3. Lịch sự với người phục vụ
Người phục vụ là người được ta trả tiền để phục vụ cho ta. Tuy nhiên không phải vì vậy mà ta có quyền sai khiến, nạt nộ, quát tháo họ. Trẻ cần được dạy rằng không phải có tiền thì muốn làm gì thì làm, đồng tiền không làm nên giá trị của con người. Thái độ, cách ứng xử giữa người với người với nhau như thế nào mới quyết định được nhân cách của người đó. Hơn nữa, người phục vụ đã rất cảm ơn vì chúng ta đã chi tiền để vào quán của họ, vậy thì hãy dạy con cảm ơn vì anh ấy/cô ấy đã phục vụ nhiệt tình, để bạn và gia đình có khoảng thời gian thật vui vẻ.
4. Ăn uống lịch sự
Ăn uống là việc hàng ngày, và đó cũng là một nét văn hóa. Người Việt rất kỵ với những người thiếu lịch sự, thiếu ý thức, thiếu nghiêm túc, cẩu thả trong trong bữa ăn, và nhìn chung, mọi quốc gia trên thế giới đều có những nguyên tắc, lịch sự trong bữa ăn. Chính vì vậy, cách ăn cũng quyết định ý thức của con người.
Khi trẻ đã tự biết xúc ăn, hãy dạy con ngồi vào bàn ăn đúng bữa, ăn uống gọn gàng, không đổ vãi. Trước khi ăn có thể mời hoặc không mời tùy theo văn hóa vùng miền nhưng nhất thiết phải để ý mọi người, nhất là khi người lớn đã cùng cầm đũa mới bắt đầu ăn. Ăn uống nên từ tốn, không nói chuyện to, không văng tục, ăn trông nồi ngồi trông hướng.
Để con cái sau này trở thành những người biết cách ứng xử khéo léo, cha mẹ trước hết hãy là tấm gương sáng cho trẻ noi theo. Trong quá trình nuôi dạy trẻ, cha mẹ cần hết sức quan tâm và tinh tế để có thể nhận ra những biểu hiện không tốt của trẻ để kịp thời uốn nắn, không những trong văn hóa ứng xử ngoài xã hội mà còn trong văn hóa ứng xử gia đình cũng vậy. .
Trả lời