Ứng xử khi các con cãi nhau
Con cái trong gia đình luôn biết giữ hòa khí, yêu thương và nhường nhịn lẫn nhau là điều mà các bậc làm cha mẹ đều mong ước.Tuy nhiên với những trẻ em trong hầu hết mọi gia đình mà độ tuổi cách nhau khoảng từ một đến bốn tuổi thì những mâu thuẫn, tranh giành, cãi cọ nhau là điều không thể tránh khỏi. Bí quyết gì có thể giúp bạn giải quyết các vụ lộn lộn này trong gia đình?
1. Phớt lờ
Nếu việc tranh cãi, đánh nhau của trẻ chỉ là những va chạm nhẹ, không gây ảnh hưởng gì quá nghiêm trọng thì hãy cứ phơt lờ chúng. Trẻ rất mau quên nên chúng sẽ nhanh chóng làm lành với nhau mà không cần sự can thiệp của người lớn.
2. Đối xử công bằng với các con
Đòi hỏi công bằng là một bản năng không thể thiếu của con người. Các ông bố bà mẹ sẽ không thể giải quyết được bất hòa giữa con cái với nhau nếu thiếu đi sự công minh. Đôi lúc bố mẹ vì quá bận rộn nên không tìm hiểu nguyên nhân, khi nghe các con tranh giành, cãi vã hoặc đánh nhau thì bắt phạt hay đánh đòn cảnh cáo cả hai đứa để “lần sau đỡ phải gây chuyện ồn ào”.
Khi vấn đề không được giải quyết sẽ khiến cho một trong hai đứa trẻ cảm thấy mình bị đối xử bất công và sinh ra oán trách bố mẹ. Những cảm xúc ấm ức bị dồn nén lâu dần sẽ gây tổn thương không nhỏ đến tâm lý của trẻ, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ sau này.
Đối xử công bằng với con cái, giúp cho con biết kiềm nén cảm xúc của mình và không để tính đố kỵ làm ảnh hưởng đến quan hệ của những đứa trẻ là bố mẹ đã tạo được tình cảm gắn kết giữa các thành viên trong gia đình với nhau.
3. Không so sánh các con với nhau
Việc so sánh những đứa trẻ với nhau rất dễ khiến chúng chạm lòng tự ái và tổn thương sự tự tin. Nếu trẻ ghen tỵ với chị vì chị học giỏi hơn, bố mẹ có thể tâm sự nhẹ nhàng để trẻ hiểu rằng ai cũng có những điểm mạnh và điểm hạn chế riêng. Không nên so sánh trẻ với anh chị em trong nhà, hoặc nếu muốn so sánh nhằm khích lệ trẻ nỗ lực, phấn đấu thì bố mẹ cần tế nhị và thật khéo léo.
4. Tạo một môi trường sống hòa thuận
Cả bố và mẹ phải chung sức xây dựng một gia đình có không khí thuận hòa giữa các anh chị em. Trước hết, cha mẹ phải trở thành tấm gương mẫu mực, đối xử hòa thuận với nhau. Bởi vì, trẻ sẽ học cách chung sống hòa thuận từ cha mẹ chúng đầu tiên. Đừng mong chờ trẻ hành xử tốt nếu người lớn không làm gương cho chúng. Cần tránh không cho trẻ chơi những trò chơi hoặc những hoạt động kích thích đánh nhau. Môi trường hòa thuận là cái nôi rất tốt để hình thành nhân cách của trẻ.
5. Dạy trẻ biết giải hòa
Bố mẹ cần phải dạy con cách đối phó với tình huống tranh cãi. Khi trẻ đã bình tĩnh trở lại và cởi mở hơn, hãy tâm sự với con về tình huống đánh nhau lúc trước. Không ít những ông bố bà mẹ vì quá mệt mỏi trước những “cuộc chiến” thường xuyên của trẻ nên đã để cho chúng “tự xử”. Nếu sau những “cuộc chiến” không phân thắng bại, chúng sẽ cảm thấy chán và chọn giải pháp hòa bình. Bố mẹ sẽ rất bất ngờ khi thấy trẻ sau một hồi tranh giành, khóc lóc chúng lại thân thiện, ríu rít “anh anh, em em” trông rất tình cảm.
Đôi khi bố mẹ cũng cần chọn cách này để tập cho trẻ biết tự giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, bố mẹ không nên hoàn toàn để trẻ tự giải quyết mà hãy âm thầm dõi theo chúng bởi trong quá trình tranh cãi, những đứa trẻ có thể không làm chủ được hành vi của mình dễ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
Muốn cho trẻ sống vui vẻ, hòa thuận với nhau, bản thân cha mẹ và ông bà phải luôn là những người đối xử công bằng, tôn trọng cá tính của trẻ. Quan tâm đến con và giúp con kiểm soát cảm xúc là cha mẹ đã tạo được tình cảm gắn kết giữa các thành viên trong gia đình với nhau rồi.
Trả lời