Bên cạnh nguyên nhân do sự xuống cấp đạo đức của nhiều nhóm người trong xã hội thì cũng có nguyên nhân xuất phát từ việc các em chưa biết cách bảo vệ chính bản thân mình và không được gia đình, nhà trường giáo dục đúng cách.
Thời gian gần đây, liên tiếp các vụ xâm hại, lạm dụng tình dục trẻ em xảy ra trên nhiều địa bàn cả nước khiến dư luận không khỏi phẫn nộ và lo lắng. Vấn đề nhận diện đâu là nguy cơ và nguyên nhân để giúp trẻ phòng tránh những vụ xâm hại, lạm dụng là điều rất quan trọng.
Gần đây nhất, sự việc hơn 20 học sinh, trường tiểu học xã La Pan Tẩn, (huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai) bị xâm hại tình dục bởi một nhân viên bảo vệ của trường đã làm chấn động cả một địa phương vùng biên và gây bức xúc, lo lắng cho những gia đình có con em đi học.
Có thể nói đây là một trong những vụ xâm hại tình dục trẻ em hết sức nghiêm trọng bởi dù đã xảy ra trong thời gian dài nhưng vụ việc chỉ được phát hiện vào cuối tháng 3 vừa qua, sau khi một số nạn nhân sợ hãi bỏ học và được gia đình tố cáo với chính quyền địa phương.
Trao đổi với PV Dân trí trước vấn nạn xâm hại, lạm dụng tình dục trẻ em trong thời gian gần đây, chuyên gia tâm lý Phạm Hiền – Trung tâm Đào tạo kĩ năng sống Wedo- Wegood (Hà Nội) cho rằng: “Việc lạm dục tình dục trẻ em đã được cảnh báo trong rất nhiều năm nay. Đa số những trường hợp xâm hại trẻ em là người quen của gia đình, thậm chí là người thân trong gia đình. Chính vì vậy, để bảo vệ trẻ em tránh khỏi những nguy cơ bị bạo hành hoặc xâm hại tình dục, giải pháp quan trọng nhất chính là việc giáo dục cho trẻ biết cách tự bảo vệ bản thân mình”.
Bà Hiền cũng cho biết, trong quá trình làm việc bà đã gặp rất nhiều trường hợp trẻ em từng bị lạm dụng, bao gồm cả trẻ từ 2-5 tuổi cho đến những em học sinh cấp 1, cấp 2. Thậm chí có không ít những trường hợp bố xâm hại con, anh trai xâm hại em gái, hay dì lạm dục tình dục với cháu trai rồi mang thai, cho đến những trường hợp đối tượng là người hàng xóm, người bảo vệ,
Có thể thấy, những vụ trẻ em bị xâm hại tình dục đều để lại hậu quả rất nặng nề. Người bị hại không chỉ bị tổn thương về thể chất mà còn luôn sống trong sợ hãi và sự ám ảnh, đặc biệt là các em gái nhỏ tuổi rất khó hòa nhập lại với cộng đồng.
Một thực tế đáng báo động trong những năm gần đây số lượng trẻ em bị xâm hại tình dục ngày càng gia tăng. Chỉ tính riêng trong 5 năm qua (2011-2015), cả nước phát hiện trên 8.200 vụ xâm hại trẻ em với gần 10.000 nạn nhân, tăng 258 nạn nhân so với 5 năm trước đó. Số vụ bị xâm hại tình dục chiếm tới 5.300 vụ (khoảng 65%) và gia tăng xâm hại tình dục nam. Năm 2011, lực lượng chức năng bắt hơn 1.000 đối tượng, đến năm 2015 số đối tượng tăng lên hơn 1.400 đối tượng.
Bàn về nguyên nhân khiến trẻ bị lạm dụng tình dục, chuyên gia tâm lý Phạm Hiền nhận định: “Khi xã hội bước vào những năm phát triển nóng, đã có nhiều vấn đề, hệ lụy liên quan tới con trẻ. Rất nhiều thông tin có thể dễ kích động đến sự tiêu cực cũng như kích động tới phần con trong con người. Điều này đôi khi khiến cho một người bình thường vốn rất hiền lành nhưng vào một lúc nào đó, phần con trỗi dậy khiến bản thân họ không thể cưỡng lại được và gây nên những hành vi đồi bại, suy đạo đức”.
Ngoài ra chuyên gia còn chỉ ra những nguyên nhân có thể xuất phát từ phía nạn nhân như:
– Trẻ em vô ý tạo nên những kẽ hở của sự quá hớ hênh. Ví dụ ăn mặc quá mát mẻ so với độ tuổi của trẻ hay có những tư thế ngồi hay đi đứng thiếu ý tứ.
– Trẻ em còn thiếu nhận thức về các vấn đề và các mối nguy hiểm từ việc xâm hại, lạm dụng tình dục. Đa phần các bậc phụ huynh mới chỉ dừng lại ở việc cấm đoán trẻ, thậm chí không cho con nhìn thấy những gì có thể xảy ra nó như thế nào.
– Người lớn không tế nhị trong những thể hiện tình cảm giữa vợ chồng, giữa anh hoặc chị với người yêu… trước mặt trẻ nhỏ. Điều này vô tình đưa vào các nhận thức của trẻ khiến trẻ nghĩ rằng tình dục giống như một cuộc chơi.
– Nhiều bậc cha mẹ vẫn còn e ngại, thậm chí không dạy trẻ biết được những bộ phận nào trên cơ thể mà người khác không được động vào (thậm chí là bố đối với các bé gái). Từ đó khiến trẻ thiếu các kỹ năng như kỹ năng phòng tránh, kỹ năng tự vệ hay kỹ năng phản kháng để chống lại các hành vi lạm dụng.
– Trẻ bị ảnh hưởng hoặc quá lạm dụng sự phát triển của Internet hay các trang thông tin, mạng xã hội. Trong trường hợp này, thay vì cấm đoán, bố mẹ hãy trải nghiệm và chơi cùng con. Điều này giống như việc hai người bạn cùng xem một bức tranh, hay cùng xem một clip về vấn đề nào đó để rồi phân tích, mổ xẻ cho trẻ biết cái gì nên và không nên, cái gì ảo, cái gì thực để trẻ học được cách tự bảo vệ mình.
Trả lời