Phần lớn các mối quan hệ cha mẹ và con trên thực tế hiện nay đều có phần không ổn định khiến những đứa trẻ không thực sự tin tưởng vào gia đình. Bố mẹ nào cũng yêu thương con nhưng nhiều khi thể hiện tình yêu sai cách sẽ vô tình làm hại con. Lúc nào cũng cho con ăn thứ ngon nhất, mặc đồ đẹp nhất. Đây chỉ là biểu hiện bên ngoài chứ không phải bản chất của tình yêu thương. Dưới đây là những lưu ý khi dạy con mà các cha mẹ cần biết.
1. Những lưu ý khi dạy con trong bảo vệ con tránh nguy hiểm
Trong những ngày vừa qua liên tiếp xảy ra những vụ án đau lòng về xâm hại, về bắt cóc…. Chắc rằng chưa có bao giờ mà các cha mẹ lại rơi vào trạng thái hoang mang, loay hoay, hoảng hốt, sợ hãi như thế này! Có rất nhiều thư cầu cứu hỏi chuyên gia Phạm Hiền nhưng thực sự cũng không thể trả lời hết được.
Sự trăn trở đã lâu, sự mong muốn làm điều gì đó to tát hơn để chia sẻ cùng các bậc cha mẹ và các con nhưng cũng thực sự bất lực với nhiều trở ngại…
– Con trẻ của chúng ta ngày nay thụ động lắm, non nớt lắm… vì chúng luôn có cha mẹ, ông bà nghĩ hộ, làm hộ, quyết định hộ, trang bị đến tận răng mọi thứ nên không thể vài lời chia sẻ, vài câu chuyện có thể giúp con bảo vệ tốt được mình đâu.
– Và cha mẹ cũng đừng cứ chỉ ngồi và nghĩ rằng xã hội phải có trách nhiệm, thầy cô phải có trách nhiệm…. Nó không sai nhưng cũng không đúng vì mỗi đứa con phải có đủ trách nhiệm từ cả cha mẹ rồi mới đến các nơi khác, người khác.
Vì vậy, đã đến lúc chính các bậc cha mẹ phải tỉnh ngộ để thấy rằng:
– Đừng cứ chỉ suốt ngày cho rằng mình quá bận mà không có nổi thời gian dành cho con…
– Chính các bậc cha mẹ phải trang bị kiến thức, phương pháp để giúp con từng ngày, từng ngày, với rất rất nhiều các tình huống khác nhau để con có phản xạ phòng tránh và giải quyết …
– Phải kiên trì, bền bỉ đến từng hơi thở để giúp con an toàn trong mọi vấn đề, với mọi người xung quanh con trong một xã hội phức tạp như thế này
– Với mỗi vấn đề nguy hại đến con, cha mẹ làm được gì để giúp con, đó là do chính mình có muốn thực sự hay không? Hay mỗi khi thấy vấn nạn liên quan đến con trẻ nói chung hay chính con mình thì chỉ thấy hoang mang nóng vội trong chốc lát để rồi sau đó tặc lưỡi cho qua vì thấy mọi chuyện nó cũng nguội dần nên lại lãng quên.
2. Những lưu ý khi dạy con trong quan điểm học dạy con
Nhiều bậc cha mẹ nói rằng “trời ơi, đủ mọi cách rồi nhưng có được đâu” hoặc “chỉ là lý thuyết thôi áp dụng thực tế mới khó” hoặc “cách đó làm rồi nhưng đâu có được”.
Tại sao nhỉ? tại con à? Cha mẹ vô can?
– Cha mẹ đã bền bỉ đến cùng được 1 tháng, vài tháng với mỗi phương pháp chưa hay vài ngày thấy không được là nản, là buông bỏ. Và sau đó cho rằng con không thể.
– Cha mẹ đã nguyên tắc đến cùng chưa hay lúc tức lên thì làm quá, lúc tâm trạng bình thường lại bỏ qua. Và cứ thế cho rằng tính con nó vậy.
– Cha mẹ đã là tấm gương chưa hay luôn bắt con phải làm được, phải có được, nhưng bản thân lại kiểu gì cũng được. Và cứ vậy cho rằng con không cố gắng.
– Cha mẹ đã rõ ràng quan điểm hay mục tiêu cho con chưa hay lúc thế này lúc thế kia, kế hoạch không có, cứ muốn là con phải thực hiện… Và sau đó nói là con chẳng chủ động, chẳng có mục tiêu hoặc con đối phó.
– Cha mẹ đã rõ ràng nhiệm vụ của con chưa hay luôn nghĩ hộ, làm hộ, quyết định hộ. Và cho rằng con lười biếng, không biết suy nghĩ, không biết làm.
Đôi khi hình như không phải tự con như vậy mà do từ sự NÓNG VỘI và KHÔNG RÕ RÀNG của cha mẹ mà ra, và con cứ ngấm dần, ngấm dần từ khi biết nhận thức đến khi lớn lên từng độ tuổi thì cha mẹ vẫn vậy, và con bùng nổ thành phản xạ của việc KHÔNG BIẾT, KHÔNG THAY ĐỔI, CHỈ THẾ THÔI.
Trên đây là những lưu ý khi dạy con mà Phạm Hiền muốn chia sẻ đến các cha mẹ, mong rằng có thể phần nào giúp ích được cho các bậc phụ huynh tìm ra phương án tốt nhất để đồng hành cùng con mình!
Thân mến!
Trả lời