Những đứa con lười biếng và dựa dẫm (P2)
Tôi luôn nghe thấy các cha mẹ than rằng: Con tôi lười biếng quá, nó chẳng tự làm cái gì cả, từ việc tắm rửa, đánh răng, giặt giũ, ăn uống, học tập. cứ phải giục giã liên hồi. Thật lạ lùng là, 4 đến 5 tuổi vẫn phải thúc giục, nhắc nhở 8 đến 9 tuổi tần suất nhiều hơn và 15 đến 17 tuổi tần suất càng cao hơn nữa.
Mẹ (giọng bình thường): Bin ơi đi đánh răng nào!
Bin (không nghe thấy gì)
Mẹ (giọng hơi có chút căng thẳng): Bin, mẹ bảo đi đánh răng mà
Bin (vẫn không nghe thấy gì)
Mẹ (phải đứng lên và quát): Bin, mẹ bảo đi đánh răng cơ mà, có đứng lên không?
Bin: Vâng, con xem nốt ti vi đã ạ
Mẹ: Không được.
Bố: Thôi cứ để con xem một chút xong rồi làm cũng được.
Trong cuộc sống thường ngày và trong tương tác với con thì hình như cha mẹ hoặc cả thêm liên quan đến ông bà nữa cứ mỗi người một kiểu trong việc được không được và nên không nên, thế này lại thế kia. Và con vẫn luôn vô tư được làm theo ý mình hoặc do chẳng biết như thế nào nên nghĩ sao làm vậy cho an toàn. Cứ như vậy hết lần này đến lần khác, và con thấy quen thuộc, tạo thành thói quen đòi hỏi sự trì hoãn và con cũng luôn đạt được một cách dễ dàng.
Mẹ: Xong rồi đi đánh rằng thôi!
Con: Con buồn ngủ lắm rồi mẹ ạ.
Mẹ: Không được.
Bố: Được rồi, con vào đây bố đánh răng cho nào.
Sự ỷ lại, dựa dẫm bắt đầu hình thành từ những việc rất nhỏ mà bạn làm hộ con. Một lần làm hộ, hai lần làm hộ một việc làm hộ, hai việc làm hộ và cứ như vậy nhiều việc, nhiều lần con muốn phải được làm hộ. Trong suy nghĩ của con chỉ đơn giản Mình không làm thì thế nào cũng được làm hộ nên sẽ tận dụng tối đa cho đến khi đạt được điều đó. Khi con lớn lên theo từng tuổi thì thói quen càng có cơ hội phát triển với tất cả những gì thuộc về trách nhiệm của con. Đặc biệt, khi con đi học, bạn sẽ có tâm lí sót con học nhiều, sợ con bị áp lực và luôn có câu. Con đi học suốt ngày như thế nên cũng mệt, sợ giao việc thêm thì nó không có sức hoặc con đi học thêm kín các ngày, về đến nhà ăn cơm xong cũng 7 – 8 giờ, thậm chí 8 – 9 giờ, sau đó phải học bài thì còn đâu thời gian mà làm việc nhà nữa chứ. Tất cả các công việc nhà hoặc là phó thác cho ô sin, hoặc là bạn phải làm từ A-Z.
Bạn làm trong sự kêu ca, phàn nàn rằng con bạn lười biếng, con khiến bạn tức điên lên. Còn con bạn thì sao? Đương nhiên con vô can, chẳng cần quan tâm đến bất kì vấn đề gì, chẳng biết cảm xúc của bạn ra sao và kể cả bạn mệt hay khỏe, đấy là bạn, không phải con. Bởi đơn giản trong suy nghĩ của con, tất cả mọi việc cha mẹ đang làm là nhiệm vụ của họ. Con thay quần áo ra vứt bừa bãi trong phòng, bạn nhắc nhở, thậm chí quát mắng nó vẫn vậy hết ngày này đến ngày khác bởi đơn giản sau đó bạn lại nhặt và mang đi giặt. Bạn giặt hộ, rút và gấp quần áo hộ để ở phòng con bạn cũng không thèm cất vào tủ, hàng ngày nó cứ rút từ đống đó mà mặc vì chắc chắn hết thì lại có đống thơm tho, gọn gàng mới nó thi gan với bạn cho đến khi bạn không chịu nổi thì lại cất hộ vào tủ cho xong và con đã đạt được thành tích to lớn với việc điều khiển bạn thành công. Những việc khác cũng vậy, bạn làm và con thì bày, bạn cố để làm, con càng cố để bày trong tiềm thức của con không hề có gì phải băn khoăn hay suy nghĩ bởi bình thường thôi khi mà những thứ đó không và chưa bao giờ có trong bộ nhớ rằng, đó là nhiệm vụ của con.
Việc học thì sao? con lười biếng và dựa dẫm con bạn có đang chăm học không? Nếu có thì chúc mừng bạn nhé, vì bạn đã có một đứa con hiểu được trách nhiệm học tập là của con. Bạn là một trong số ít các bà mẹ may mắn vì có con như vậy đấy! Còn lại phần lớn các bà mẹ khác thì sao? Họ luôn có câu nói với tôi rằng. Con không chịu học hành gì chị ạ, suốt ngày phải giục mà nó cũng chẳng làm cho hoặc nó cứ như đi học hộ ấy chị ạ, chẳng tự giác gì cả» hoặc nó chỉ nhanh nhanh chóng chóng hoàn thành để chơi thôi còn chẳng quan tâm đúng hay sai nữa. Thế đấy Việc học của con cũng là nhiệm vụ của cha mẹ, và con đi học hộ cho họ mà thôi, nên con học kiểu gì thì cha mẹ phải chịu.
Trả lời