Những đứa trẻ sinh ra luôn là tờ giấy trắng. Viết gì lên tờ giấy đó phụ thuộc rất nhiều vào gia đình sau đó là xã hội. Các cha mẹ hãy nhớ 5 lưu ý khi dạy con trẻ sau để có cách dạy con đúng.
Thành công của trẻ bắt nguồn từ những gì mà cha mẹ tạo dựng cho con từ bé. Đó không phải là tạo dựng tiền bạc, vật chất, mà đó là tạo dựng cho con nhân cách, sự yêu thương, tính cách độc lập, bản lĩnh…
Khi đã có những nền tảng vững chắc thì dù chỉ với 1% cơ hội nhỏ nhoi, con cũng có thể biến nó thành cơ hội, thành vận may của cuộc đời mình.
Tôi đã sống bằng lí trí mà không bao giờ đổ lỗi cho số phận. Tôi cũng là một người mẹ với những đứa con của mình nên luôn không đổ lỗi, với suy nghĩ và quan điểm rằng: “Cuộc đời của mỗi đứa trẻ, thành công hay thất bại trong cuộc sống thì 99% là do cha mẹ và chính con (từ giáo dục gia đình và khả năng hấp thụ của con), chỉ 1% do xã hội và vận mệnh”. Và với con tôi cũng phải không được phép đổi lỗi.
1. Những lưu ý khi dạy con trẻ ngôn từ khi giao tiếp
Ngôn từ khi giao tiếp với con là nét vẽ nhân cách nên đừng cho vào đầu con những điều xấu xí như:
Trời ơi, sao nuôi mày phí cơm phí gạo sau này chắc đã làm nên trò trống gì” hay “mày thật ngu dốt quá, tại sao không bằng thằng con nhà bác …” hoặc “tao thật xấu hổ với bạn bè vì con nhà họ thì học giỏi, còn mày thì…???”
2. Trung thực từ việc nhỏ
Trung thực từ việc nhỏ là nét vẽ đạo đức nên đừng cho vào đầu con sự gian dối nếu không phải là tính cấp bách ảnh hưởng đến tính mạng con ví dụ như:
“Con không cần phải nói sự thật như thế, cứ nói như mẹ bảo là được, dốt lắm ra ngoài xã hội đôi khi phải thế, hiểu chưa” hoặc “Ai hỏi phải nói như thế này, cấm được nói như mẹ nói nhớ chưa”
3. Những lưu ý khi dạy con trẻ cho đi
Cho đi là nét vẽ của sự tử tế nên đừng cho vào đầu con sự miễn cưỡng thậm chí sự rẻ mạt như:
“Con không thích thì cho bạn” hoặc “dốt lắm cho thì phải là những thứ không dùng được, không thích chứ” hoặc “những cái này đang mới mà, nó vẫn đang tốt mà để đấy có lúc sẽ dùng đến….”
4. Lưu ý khi dạy con trẻ quan điểm sống
Quan điểm sống là nét vẽ tư duy và nhận thức sống nên đừng cho vào đầu con sự lệch lạc như:
“Có tiền thì phải sài sang là đúng rồi” hoặc “có tiền thì đi chơi cho sướng học hành làm gì” hoặc “học tốt văn hóa vào để mà thành tài, chứ ba cái năng khiếu để làm gì, kỹ năng thì để đời dạy sao phải học” hoặc “con chỉ cần học thôi không phải làm gì hết…”
5. Những lưu ý khi dạy con trẻ lối sống có nguyên tắc, kỷ luật
Lối sống có nguyên tắc, kỷ luật là nét vẽ tinh tế và sáng tạo ứng dụng được nên đừng cho vào đầu con sự tự do vô thức như:
“Kệ cứ chơi tự do thoải mái đi, lớn vào nề nếp sau, lớn khắc ngoan” hoặc “sao phải có nguyên tắc để thành dập khuôn à, thế thì sao mà sáng tạo được, bừa bộn hay không biết làm việc nhà không chết được…”
Còn rất nhiều nét vẽ mà cha mẹ đang vẽ vào nhận thức, tính cách, tâm lý, hành vi của con hàng ngày cộng thêm sự hấp thụ ngoài xã hội cũng những nét vẽ như thế nên con trẻ không loay hoay khổ sở để chẳng biết mình nên như thế nào cho đúng mới là lạ.
Đặc biệt, còn lạ lùng hơn khi cha mẹ mong muốn con ngoan, con giỏi nhưng lại đang luôn vẽ ngược lên con trong từng ngày.
Với trẻ thơ, cuộc sống là cả một quá trình khám phá những điều mới mẻ. Chúng rất cần những sự hướng dẫn của cha mẹ khi chập chững những bước đầu tiên của cuộc đời. Hy vọng rằng 5 lưu ý khi dạy con trẻ ở trên sẽ phần nào giúp các cha mẹ dạy con đúng cách.
Trả lời