Ngày nay, cùng với sự phát triển của xã hội và truyền thông đại chúng, trẻ mới lớn được tiếp cận nhiều hơn với các kênh làm đẹp, hội chứng “cuồng” cái đẹp xuất phát từ phim ảnh, các sản phẩm âm nhạc khiến nhiều em quá tập trung vào việc chăm chút ngoại hình cho bản thân mà chểnh mảng học hành. Điều này đã khiến nhiều ông bố, bà mẹ rất lo lắng rằng con cái mình sẽ sớm “hư hỏng”.Vậy cha mẹ phải làm gì khi con gái “nghiện” làm đẹp
Giờ đây, hình ảnh các em gái cấp 3, thậm chí là cấp 2, đi học với son phấn đầy mặt, kẻ mắt, tô son, nhuộm tóc, đeo lens…đã không còn là quá xa lạ với nhiều người. Tuy nhiên, hình ảnh đó vẫn không khiến người lớn phải giật mình bởi nếu không khoác trên mình những bộ đồng phục học sinh thì người ta sẽ tưởng rằng các em đi diễn chứ không phải đến trường.
Sự phát triển quá sớm về mặt ngoại hình, dáng vóc nhưng trong suy nghĩ vẫn còn non nớt đã kéo theo hàng loạt các nguy cơ như yêu sớm, đua đòi, chểnh mảng học tập… Trước những nguy cơ đó, các bậc cha mẹ nên làm gì để bảo vệ con cái?
1. Định hướng tư tưởng
Khi bước vào lứa tuổi dậy thì, các bé gái bắt đầu có những thay đổi rõ rệt về ngoại hình. Khi trở nên xinh đẹp hơn, duyên dáng hơn, các em bắt đầu ý thích được rằng mình được mọi người chú ý. Nguyên nhân là do tâm sinh lý các em đang dần thay đổi, rất nhạy cảm và thích khẳng định. Các em thích được các bạn khác giới để ý, các bạn gái ghen tị, điều này có sức kích thích rất lớn, vì thế, các em dành hết thời gian và suy nghĩ để làm thế nào mình đẹp hơn, thu hút hơn, khiến nhiều bạn trai yêu mến hơn.
Trong giai đoạn này, cha mẹ cần phải tinh tế để nhận ra những sự thay đổi đó để kịp thời uốn nắn, nếu cha mẹ không có sự định hướng tư tưởng rõ ràng, để mặc các em tự do làm những gì mình thích, thì đến một lúc nào đó, “cơn nghiện” làm đẹp sẽ thực sự kéo các em rời xa mục đích học hành.
Do đó, điều quan trọng là cha mẹ phải luôn theo sát con mới lớn, không nên cổ súy con chưng diện, cần định hướng cho con về thẩm mỹ, giá trị và sức mạnh của người con gái, đó không chỉ là sắc đẹp, đó còn phải là tri thức, sự thông minh. Cha mẹ cần cho con hiểu rằng một người đẹp không có trí tuệ chỉ là một bông hoa không có hương, nhạt nhẽo và vô vị.
2. Không tiếp tay cho con làm đẹp
Khi thấy con gái mình đẹp hơn, biết làm điệu hơn các bạn gái cùng trang lứa, có không ít bà mẹ cho đó là niềm tự hào và không ngừng cổ vũ con. Điều này có thể không vấn đề gì trong một chừng mực, nhưng nó lại rất dễ trở thành thái quá. Sự thái quá đó không chỉ làm hỏng hình ảnh trong sáng của một cô bé học sinh, thậm chí khiến cho nhiều bạn trai dễ dàng bắt “tín hiệu” và không ngừng tán tỉnh con bạn.
Chính vì vậy, bạn cần phải biết chừng mực trước đòi hỏi của con. Hãy nói chuyện nghiêm túc với con mỗi lần trẻ xin tiền mua son phấn, làm tóc, nhuộm tóc… Hãy cho trẻ hiểu bạn sẵn sàng chi tiền giúp con luôn gọn gàng, xinh xắn, dễ thương khi tới trường, nhưng có một vài giới hạn về mỹ phẩm và phong cách làm đẹp dứt khoát không dành cho lứa tuổi học trò và con phải chấp nhận điều đó cho đến khi trở thành người trưởng thành thực sự.
3. Tư vấn để con làm đẹp phù hợp lứa tuổi
Nếu là một người mẹ thông minh, bạn đừng chỉ biết đừng ngoài cuộc và nhận xét con thế này thế kia, con không được thế này, không được thế kia, mà hãy làm cái gì đó khi con gái có dấu hiệu “nghiện” làm đẹp. Bạn cần hiểu rằng, con đã đến tuổi làm đẹp, nếu con thích, bạn không thể ngăn cản, bạn chỉ có thể giúp con định hướng thẩm mỹ.
Vì vậy, thỉnh thoảng, hãy cùng con đi mua sắm, cùng con bàn về một loại mỹ phẩm nào đó như hai người phụ nữ, nhận xét về một kiểu tóc nào đó như những người bạn. Qua đó, bạn có thể định hướng cho con về vẻ đẹp học đường và xây dựng cho con hình ảnh phù hợp với lứa tuổi của mình.
Hãy cho con thấy một cô bé tuổi học trò mà dầy phấn trên mặt chỉ càng thêm già, đánh mất hết sự hồn nhiên của tuổi học trò. Đồng thời, hãy thể hiện cho con thấy bạn thích vẻ đẹp tự nhiên của con, khuyến khích con yêu mến và tự hào vẻ đẹp vốn có của mình.
Trả lời