Ngày nay với xã hội hiện đại sính ngoại đến tôn thờ thì rất nhiều giá trị cốt lõi đơn giản này tự nhiên lại trở nên thật mới, thật lạ với quá nhiều cha mẹ.
1. Giá trị của tình yêu thương là đích đến đầu tiên khi con được sinh ra
Đó là sự gắn kết và giúp đỡ, sự trăn trở cùng nhau những nỗi đau, sự chia sẻ cùng nhau niềm vui… từ gia đình nhỏ, đến họ hàng, đến hàng xóm xung quanh. Rõ ràng từ xa xưa nó vô cùng tốt đẹp mà văn hóa các nước khác chưa chắc đã có. Tuy nhiên, ngày nay nó đang bị mai một, bị bào mòn đi từ chính sự không kiên trì, không bền bỉ trong sự gấp gáp, nóng vội cho cuộc sống quá nhiều sự hưởng thụ mãi không ngừng. Nên không thể gần gũi mà dạy con từ những điều nhỏ nhất hay do cha mẹ ưu tiên phần nhiều những thứ khác quan trọng hơn. Hay do chính cha mẹ cũng đang bị chạy theo những thứ xa xỉ quá mà bản thân cũng bớt đi sự yêu thương thực sự!
2. Giá trị của trách nhiệm là sự trải nghiệm để trân trọng sự yêu thương vô bờ bến
Đó là những nguyên tắc cho đi và nhận lại, là trách nhiệm với bản thân, với gia đình, với xã hội, là nguyên tắc và tính kỷ luật với bản thân, với tập thể để cùng nhau phát triển gắn kết. Rõ ràng các thế hệ trước luôn kiên cường, vượt khó không khuất phục, không cần phải thúc giục mà tự biết việc để làm. Tuy nhiên, ngày nay cha mẹ bao bọc con, dựa vào giúp việc, mải mê công việc nên cũng chẳng có ý niệm hay thời gian để dạy con từ nếp ăn, nếp uống, nếp nhà… mà chỉ thấy không được như con mắt nhìn thì lúc điên lên thì la hét, quát mắng, lúc bình thường thì cũng thấy ok. Khiến các con chẳng biết đâu là nghĩa vụ hay trách nhiệm phải là như vậy mới đúng mà tự chủ độ.
3. Giá trị của sự vượt khó để tự lập phát triển bản thân
Đó là sự tự ý thức học cho mình, làm cho mình không thể chờ cha mẹ nhắc. Là sự tự ý thức được mình phải như hoặc bằng thậm chí hơn những đàn anh, đàn chị được cho là tấm gương. Rõ ràng đến 80% thậm chí nhiều hơn là sự mong muốn, ước mơ và đi cùng hành động với sự nỗ lực không ngơi nghỉ mà chẳng cần cha mẹ phải biết, chẳng cần cha mẹ phải động viên hoặc chẳng cần cha mẹ phải mắng chửi. Tuy nhiên, ngày nay cha mẹ kỳ vọng con cao quá nên sát sao con đến mức ngạt thở, áp đặt con đến mức phải bùng nổ trong sự buông bỏ, lúc nào cũng thúc, lúc nào cũng giục nên sự nỗ lực tự con mong muốn may ra chỉ có 10%. Còn lại tới 90% là mong muốn của cha mẹ nên con cố để làm gì khi nó đâu phải cho con, còn cho cha mẹ thì chính cha mẹ đã đang lo nên đâu cần con phải băn khoăn, trăn trở.
4. Giá trị đối nhân xử thế
Đó là sự giao tiếp lễ phép chào, hỏi, thưa, gửi, dạ, vâng, xin phép, diễn đạt đủ câu chủ ngữ vị ngữ trong sự điềm đạm nhưng tự tin, dứt khoát; đó là sự thứ tha, xin lỗi khi sai hay đúng; đó là sự trân trọng giúp đỡ trong cảm ơn, biết ơn. Đó là sự tự tin đưa ý kiến, chính kiến, lý lẽ, lập luận đến cùng. Rõ ràng cha mẹ những thế hệ trước nghiêm khắc hướng dẫn đến từng cử chỉ, lời nói của con, khả năng giao tiếp của các thế hệ trước rõ ràng đâu ra đấy, biết người, biết ta và thậm chí luôn tỏ rõ uy quyền và sự bản lĩnh. Tuy nhiên, ngày nay con phụ thuộc vào công nghệ nên chẳng phải nói nhiều và không có môi trường thực tế để giao tiếp bởi cha mẹ ngày nay nói, phân tích ít hơn mà quát tháo cộng với chẳng có nhiều thời gian mà chơi để mà được giao tiếp thực sự. Hoặc cha mẹ không cân bằng chỉ chú trọng con nói giỏi tiếng Anh hay bất kỳ tiếng nào khác mà quên đi tiếng mẹ đẻ phải đối nhân xử thế hàng ngày.
Còn rất nhiều giá trị, rất nhiều cách mà thời trước cha mẹ Việt đã áp dụng khiến bao thế hệ trưởng thành đầy bản lĩnh trong sự trách nhiệm, vượt khó… với khí chất của tình người, của trí tuệ và cũng vươn tầm đó thôi.
Quan điểm và hành động của cha mẹ thời hiện đại ảnh hưởng rất rất lớn đến các con! Và nếu như chỉ cần lắng xuống suy ngẫm sẽ không tới 80% các con lười biếng, ỉ nại, dựa dẫm, phụ thuộc…. Chính các cha mẹ mới là những chuyên gia thực sự của các con nếu kết hợp ưu của văn hóa Việt với các phương pháp phù hợp của các nước vì không phải phương pháp nào cũng áp dụng được với các con, và đôi khi thậm chí vì quan điểm hoặc cách hiểu sai mà làm hỏng đi các phương pháp vốn dĩ rất tốt của của các nước đó.
Chuyên gia tâm lý Phạm Hiền
Trả lời