Đừng đùa với cảm xúc của con
Tôi vừa nhận được tin nhắn “Cô ơi, con đã tốt nghiệp loại khá rồi, chủ nhật này con về nước và chơi khoảng 1 tháng, con mời cô đi uống cafe nhé”.
Thấm thoát đã 8 năm, và cái nhân duyên được gặp cậu bé lại ùa về.
Hôm đó trời mưa tầm tã, mẹ cậu bé đến gặp tôi khi không hẹn trước, đó đúng là nhân duyên vì như mọi ngày vào giờ đó tôi đã rời văn phòng.
Trông chị rất mệt mỏi, khuôn mặt nhợt nhạt, mắt thâm quầng, và quần áo bị ướt nhiều do đi xe máy từ xa đến.
Chị gặp tôi và nói với giọng rất xúc động “xin lỗi Chuyên gia vì làm phiền chị giờ này, chị có thể giúp tôi được không, vì chắc phải làm phiền chị thời gian lâu một chút?”
Tôi sẵn sàng và động viên chị chia sẻ
Chị bắt đầu kể bằng giọng ngắt quãng, vì sức khỏe yếu của người mới ốm dậy “Tôi buồn quá và chỉ muốn chết thôi. Tôi có một cậu con trai 16 tuổi, nó đã bỏ nhà đi gần 2 tháng rồi, tôi khóc lóc van xin nó cũng không về, nó tuyên bố sẽ không bao giờ về nhà nữa. Tôi sẽ phải làm sao đây”
Tôi trấn tĩnh chị và hỏi “trước đó cháu đã bỏ nhà đi bao giờ chưa? Và chị có biết lý do không”
Chị nói “Trước đó cũng khoảng 3 đến 4 lần nhưng chỉ vài ngày rồi sẽ về, trước thì do mỗi lần bố mẹ cãi nhau nó chán và bỏ đi, còn lần này thì thực sự tôi không biết, hỏi nó không nói, thậm Chí bây giờ gọi điện nó cũng không nghe máy. Tôi sốc quá nên ốm suốt tháng qua, phải nằm viện và mới ra viện được hai hôm”
Tôi hỏi chị “Anh chị có cãi nhau không?”
Chị nói “Không! Vì nếu tranh cãi nhau vấn đề gì, hoặc cãi nhau anh chị vào phòng riêng chứ không ở trước mặt các con”
Tôi tiếp tục hỏi chị nhiều câu hỏi và chị đều quả quyết không, kể cả việc mắng hay không đáp ứng yêu cầu nào đó của con.
Tôi bày cho chị cách nhắn tin và gửi email tâm sự với cháu, tuy nhiên ngày hôm sau chị gọi lại và nói rằng không hiệu quả, vì cháu không trả lời.
Tôi quyết định vào cuộc nên xin số điện thoại của cháu.
Buổi sáng tôi nhắn tin “chào con, cô là bạn thân của mẹ, mẹ đang lo cho con quá nên ốm lắm, con gọi về cho mẹ nhé, cảm ơn con”, tuy nhiên không được câu trả lời, tôi gọi vài cuộc nhưng cậu bé, cũng không bắt máy.
Khoảng 1h đêm tôi tiếp tục nhắn tin “rất xin lỗi đã làm phiền con, cô là Hiền bạn thân của mẹ, cô biết chắc con có chuyện gì đó rất buồn nên mới hành động như vậy, cô mong muốn được chia sẻ cùng con, ngày mai cho phép cô gọi cho con nhé, cảm ơn con rất nhiều”, không có trả lời và tôi đoán chắc cậu bé đã ngủ
Sáng hôm sau, 8 giờ tôi gọi, khoảng vài lần nhưng vẫn không bắt máy, vẫn kiên trì nhắn tin và gọi, thật may mắn đến khoảng giữa giờ chiều cậu bé đã nghe máy và nói rất nhanh “cháu không về nhà đâu cô, chiêu giả vờ ốm của mẹ cháu xưa rồi” và cúp máy.
Tôi nhắn tin lại cho cậu bé “Cô thấy tự trách bản thân, tại sao lại không thể tạo được niềm tin ở con nhỉ”, đồng thời tôi tiếp tục gọi cho cậu bé, may mắn lần này cậu bé nghe máy ngay sau một hồi chuông.
Tôi bắt đầu vòng vo nói chuyện phiếm, hỏi cậu bé về trận bóng hôm qua (vì cậu bé này thích bóng đá), tiếp tục hỏi ý kiến cậu bé về tâm lý các học sinh thời nay, các bạn ấy thường mong muốn gì từ cha mẹ, thầy cô, bạn bè…, thật ngạc nhiên, cậu bé khá hào hứng chia sẻ khi không liên quan đến mình.
Mất khoảng gần 20 phút, tôi mới bắt đầu vào đề. Sự sôi nổi biến mất rất nhanh, giọng cậu bé thay đổi “nếu cô nói về chuyện của cháu thì cháu sẽ không muốn nghe”.
Tuy nhiên, thêm khoảng 10 phút thuyết phục cuối cùng cậu bé cũng chia sẻ “Bố mẹ cháu suốt ngày cãi nhau, và sắp bỏ nhau rồi vì bố cháu có bồ, họ bảo sẽ li dị nhau càng sớm càng tốt, cháu thấy chán quá nên không muốn ở nhà”
Tôi nói “Tại sao con biết”, cậu bé nói “Một hôm cháu để quên vở và về nhà lấy thì chứng kiến bố mẹ đang đánh nhau và cãi nhau về việc này, cháu đứng dưới nhà nghe thấy hết, với lại chuyện này cháu chứng kiến quá nhiều rồi, nên chán quá bỏ đi luôn”.
Cảm xúc của tôi cũng trùng xuống giống cậu bé, vì tôi biết rằng bố mẹ cậu bé không hề biết được lý do này, vì họ nghĩ rằng họ thường cãi nhau khi không có con ở nhà, mặt khác họ chưa hề nói với con là sẽ li dị.
Tuy nhiên tôi vẫn mạnh dạn nói với cậu bé “Điều đó cô biết, nhưng khi con bỏ đi bố mẹ đã rất buồn, đặc biệt bố con đã biết lỗi và Hứa sẽ không bỏ mẹ con con, nhìn bố con bây giờ rất tội nghiệp”
Cậu bé trả lời ngay tức thời “Cháu không tin đâu, rồi lại xảy ra thôi, làm sao mà thay đổi được”
Tôi nói “thế con có tin cô không?” Cậu bé nói “tạm tin ạ”
Tôi thuyết phục cậu bé về nhà, rất lâu sau cậu bé mới trả lời “Để cháu suy nghĩ thêm đã”
Sau đó tôi dành 1 ngày gặp riêng bố, mẹ cậu bé và rất may mắn họ đã hiểu ra vấn đề khi cùng nhau chia sẻ và tháo gỡ nút thắt lâu nay để nhìn về một hướng.
Ngay buổi tối hôm đó tôi gọi điện hẹn gặp cậu bé và được cho biết địa điểm tại quán game ở khu vực Mỹ đình. Tôi giao lại cho bố cậu bé và dặn dò khi đến đón con “Hãy kiên nhẫn ngồi bên cạnh chờ cho con chơi hết ván game,hỏi con tại sao lại chơi được như vậy, bảo con hướng dẫn chơi…” Sau khi con chơi xong hãy rủ con đi uống cafe và nói chuyện như hai người đàn ông.
Khoảng gần 10 giờ tối cậu bé nhắn tin cho tôi “cháu đã về nhà”
Tôi thở phào nhẹ nhõm khi nhận thêm tin nhắn của bố mẹ cậu bé và thấy vui vì gia đình họ đã vượt qua được cửa ải cam go.
-Phạm Hiền- 12/12/2013
Trả lời