Từ 12-18 tuổi là độ tuổi mà trẻ có nhiều thay đổi nhất cả về mặt thể chất lẫn tâm hồn. Ở độ tuổi này, bố mẹ nên dạy cho trẻ nếp sống tự lập bởi vì dù bạn có cố gắng bao bọc trẻ thế nào thì cũng không thể đi theo con suốt cuộc đời, do đó bạn cần dạy con khả năng độc lập ngay từ lúc này để con có thể trở thành người trưởng thành không phụ thuộc.
1. Dành cho con một sự độc lập tương đối
Để trở thành một người trưởng thành thực sự, con phải học cách phụ thuộc vào cha mẹ ít hơn, có trách nhiệm hơn, có thể tự ra quyết định và giải quyết vấn đề. Con cũng phải biết tìm ra giá trị cuộc sống và tìm ra mục tiêu, động lực của cuộc sống để phấn đấu. Tuy nhiên, cha mẹ và con cái luôn có sự bất đồng quan điểm trong vấn đề tự lâp. Khi mà con cái muốn đấu tranh để được tự quyết định những việc liên quan đến bản thân mình thì nhiều khi lại vấp phải sự phản đối của cha mẹ. Trong mắt nhiều bậc phụ huynh, con cái họ dù có 16-17 tuổi cũng không lớn hơn lứa tuổi mẫu giáo là mấy, do đó, họ tự quyết định thay con cái mình. Có thể thông cảm với các bậc cha mẹ rằng, họ lo lắng nếu được tự do quá sớm, con có thể đưa ra những quyết định sai lầm. Tuy nhiên, con cần phải khám phá, mắc sai lầm và có những trải nghiệm mới mẻ, từ đó mới học được những bài học cuộc sống và tự mình giải quyết các vấn đề.
Vì vậy, bạn cần cân bằng giữa nhu cầu tự do của con cái với mối lo của riêng mình, có như vậy, bạn và con mới có thể hiểu nhau, cùng nhau chia sẻ các vấn đề của mình. Con phát triển tính độc lập như thế nào và bạn hướng dẫn con ra sao, đó là những quá trình bị ảnh hưởng bởi nền tảng văn hóa và sự giáo dục từ phía gia đình. Vì vậy, bạn nên cố gắng tạo mọi điều kiện để con được độc lập, được tự quyết, tự khám phá trong phạm vi có thể, nghĩa là nếu có vấn đề gì thì nó cũng không gây hậu quả quá nghiêm trọng.
Ở độ tuổi vị thành niên, con bạn vẫn đang ở trong quá trình tự khám phá bản thân. Tuy nhiên, có lúc con cũng không hiểu được chính bản thân mình. Do đó, bạn và con đều phải học cách cân bằng giữa tự do cá nhân và những hướng dẫn của cha mẹ. Mọi việc không phải lúc nào cũng tốt đẹp, nên đừng vì thế mà bỏ cuộc hay cảm thấy thất vọng, chán nản. Thay vào đó, hãy luôn ở bên con, động viên và định hướng con đúng đi đúng đường.
2. Tôn trọng cảm xúc và ý kiến của con
Trong quá trình trưởng thành, đặc biệt là ở độ tuổi vị thành niên với những thay đổi về tâm sinh lí phức tạp, trẻ rất cần có sự hướng dẫn của cha mẹ. Do đó, bạn cần phải ở bên cạnh con, chia sẻ để có thể thấu hiểu cảm xúc, giúp con hiểu mình và mình cũng hiểu con.
Việc bạn tôn trọng ý kiến của con sẽ mang lại một động lực vô cùng to lớn, khiến con tự tin hơn trong các quyết định của mình. Trong một vài tình huống, quan điểm của cha mẹ và con cái có thể không đồng nhất với nhau. Khi ấy, hãy trao đổi với con trên tinh thần dân chủ, cởi mở để có thể thấu hiểu được con.
Hãy nói rõ ý kiến cá nhân và tâm sự với con những cảm xúc của người làm cha mẹ, như vậy sẽ giúp cuộc trò chuyện giữa 2 bên thẳng thắn, cởi mở, con không thấy bị áp đặt và cha mẹ cũng không cảm thấy mệt mỏi khi không hiểu nổi con.
(Ảnh minh họa)
3. Giúp con phát triển kỹ năng ra quyết định
Thay vì việc quyết định mọi chuyện của con, bạn hãy để con được quyết định những việc có liên quan đến chúng. Ở bên con và giúp chúng đưa ra quyết định đúng đắn là điều bạn nên làm. Đầu tiên, hãy lắng nghe sự lựa chọn của con, tìm hiểu nguyên nhân, động cơ của sự lựa chọn ấy. Phân tích cho con hiểu những ưu, nhược điểm của sự lựa chọn ấy, từ đó, giúp con đưa ra quyết định đúng đắn. Sau khi con ra quyết định, hãy đưa ra những nhận xét, góp ý cho con.
Ngoài ra, bạn cũng có thể để con tham gia vào việc gia đình. Đây là một dịp để thúc đẩy sự tự tin của con, đồng thời thể hiện rằng bạn coi trọng ý kiến của con.
4. Trao cho con cơ hội được trải nghiệm tự do
Khi con bắt đầu đi học, bạn nên cho con ở một phòng riêng, tạo cho con một không gian thoải mái để con không có cảm giác rằng luôn bị bố mẹ kiểm soát. Hãy để cho con tự mình trang trí phòng theo ý muốn của mình, hướng dẫn con dọn dẹp, sắp xếp phòng ngăn nắp, gọn gàng. Đừng giữ con khư khư ở nhà mỗi cuối tuần. Sau một tuần học tập vất vả, hãy để con bạn được ra ngoài, tham gia các hoạt động thể thao, vui chơi với bạn bè. Nhưng hãy nhớ là, bạn cần phải biết con chơi với ai, ở đâu và dặn con về nhà đúng giờ.
Con đã lớn và đây cũng là lúc con phải tự biết đi đến trường bằng xe đạp, xe điện hay thậm chí là đi bộ. Đừng lúc nào cũng chăm chăm đến giờ để đón con, hãy để trẻ phải học cách tự đi trên đôi chân của mình, đôi khi có thể hơi vất vả.
Khi mang đến cho con những cơ hội để trải nghiệm tự do, bạn đã cho con hiểu được giá trị của độc lập và ý nghĩa của nó, rằng cuộc đời này là quá lớn, cuộc sống ngoài kia không hề đơn giản chút nào, và rằng vòng tay cha mẹ không thể cứ mãi ôm trọn che chở cho con. Ngay từ bây giờ hãy dạy con sống tự lập để con luôn là người biết vượt khó và làm chủ bản thân trong mọi hoàn cảnh.
Trả lời