Trong những năm gần đây, Phạm Hiền cứ thấy các cha mẹ nêu cao khẩu hiệu “Dạy con phát triển tự nhiên“. Nói thật, Phạm Hiền nhạy cảm với quan điểm này đến mức mà cứ con nào đến với mình trong độ từ 4 đến 6 tuổi mà thấy vô cùng vô nguyên tắc như: Tự ý xem đồ của Phạm Hiền, ngồi dạng cả chân ra (kể cả bé gái mặc váy), leo trèo lên ghế, không lắng nghe mà chỉ nghịch ngợm…, là Phạm Hiền đoán được ngay cha mẹ bạn ấy đang “dạy con phát triển tự nhiên“.
Hình như các cha mẹ đi trước áp đặt con nhiều quá, hình như báo đài cứ nói đến vấn đề cha mẹ và thầy cô gây áp lực cho con. Hay hình như cha mẹ cũng loay hoay không biết dạy con tự nhiên là kiểu gì, nên đã bản năng lại càng bản năng hơn. Không hiểu sao khi gặp các con và các cha mẹ theo quan điểm này, tôi lại có cảm xúc khó tả và luôn có suy nghĩ ngược dòng quá khứ về tuổi thơ.
Ngày đó chúng tôi cũng là những đứa trẻ được ăn, được mặc, được học, được chơi nhưng nó khác nhiều lắm với được ăn, được mặc, được học, được chơi như ngày nay. Chúng tôi tự học, tự chịu trách nhiệm với thầy cô giáo nếu không làm bài tập. Chúng tôi không được cha mẹ ngồi kèm, không được cha mẹ nhắc học bởi đơn giản thời đó cha mẹ còn phải chật vật lo miếng ăn đủ no cho con là tốt lắm rồi. Ngày đó khi bị điểm kém, khi bị đội sổ, chúng tôi cũng bị đánh tơi bời, thậm chí có đứa sợ đến mức phải kiếm một thứ gì đó lót vào mông phòng khi bị đánh sẽ đỡ đau hơn. Ngày đó, được chơi tự do không có cha mẹ hay bất kì ai kiểm soát, nhưng có những đứa chẳng may gây ra chuyện thì về chết chóc, vì bị phạt, bị mắng chửi, bị đánh thừa sống thiếu chết. Ngày đó ăn không no, ăn không ngon, quần áo thì đơn sơ, thậm chí vá chằng chịt, đi dép đứt quai vá đi vá lại để đi tiếp.
Ngày đó cứ thử mà xem, một câu gọi của mẹ mà không dạ cho nhanh, không chạy lại để xem mẹ nói gì thật nhanh; hoặc một câu ra lệnh của bố phải làm cái này, cái kia mà không làm thật nhanh, thật cẩn thận… thì có thể đã bị cái dép bay hoặc cái bạt tai đến cháy má, thậm chí dúi dụi tối sầm mặt mày chẳng biết từ đâu ông trời giáng «quả tạ» xuống đầu. Ngày đó với sự hồn nhiên đến ngây ngô, sự bản năng đến không biết đau, và không biết đâu là điểm dừng trong mỗi trò trẻ trâu, tự học bơi, tự biết cách lên được lưng trâu mặc dù cái chân vẫn còn ngắn cũn… nhưng cứ vẫn làm được mà chẳng chịu từ bỏ những gì đã muốn mới hay chứ.
Ngày đó vẫn trốn ngủ trưa đi chơi đuổi bắt, đi chơi chuyền, chơi ô quan… thậm chí lớn hơn một chút khoảng tầm lớp 3, lớp 4 đã biết trốn buổi tối theo các anh chị lớn hơn đi xem cải lương ca nhạc. Vé thì không có nên cứ thấy người lớn đi vào là tìm cách nắm tay (như họ đang dẫn con đi xem) hoặc luồn lách theo dòng người để khi kiểm soát vé không để ý là chui tọt vào rạp một cách nhanh lẹ, ngoạn mục… Nhưng có đứa nào bị sao đâu, có hay chăng khi về nhà bị phạt đứng cả đêm ngoài cổng không được vào nhà ngủ, hoặc bị nghỉ học vài tuần ở nhà lao động. Thế đấy, tuổi thơ cũng dữ dội đấy chứ đâu có yên bình, nhưng sao cứ mỗi tuổi lớn lên, chúng tôi lại tốt lên, mỗi tuổi lớn lên ý thức và trách nhiệm lại cao hơn. Chúng tôi cứ thế trưởng thành và thỉnh thoảng lại tủm tỉm cười khi nghĩ về những kỉ niệm gai góc mà đẹp không thể quên được.
Bạn có phải là những người đã trải qua như chúng tôi không? Tôi có lại đang hoài niệm một cách khập khiễng giữa thời quá khứ đã cũ và thời hiện đại này không? Không đâu, tôi có thể tự hào để nói rằng, chúng tôi mới được dạy theo phương pháp được cho là “tự nhiên” này. Bởi không bị áp đặt phải thế này hay thế kia, mà phải tự biết thân biết phận mà nỗ lực học tập, thậm chí học thật giỏi. Vì nếu không thì phải nghỉ học, phải đi làm việc sớm và đương nhiên đến trường vui hơn rất nhiều. Không phải làm việc thì đứa nào mà chẳng muốn chứ, trừ những đứa cha mẹ không thể có điều kiện cho đi học thôi.
Bởi không có người giúp đỡ trong việc giải quyết vấn đề này, vấn đề nọ với bạn bè, với chuyện xảy ra nên tự nghĩ mà xử lí nếu muốn chơi với bạn, nếu muốn không bị tẩy chay, nếu muốn không bị đánh.
Bởi cha mẹ không quá kì vọng con phải trở thành cái gì, phải làm được gì trong tương lai, đơn giản bởi con cứ làm tốt trong hiện tại đi, nếu cứ viển vông thì “chết với cha mẹ”. Bởi phải chịu nhiều hình phạt, thậm chí đánh đòn và phải chịu chê bai, phê bình trước lớp vì học dốt nên tự mà biết thay đổi bản thân con ạ. Bởi nguyên tắc là nguyên tắc phải tuân theo, nhiệm vụ làm cái gì và vào giờ nào thì phải răm rắp mà thực hiện nếu đã tự làm được thì cố mà làm, và nếu không biết thì cũng chẳng có ai giúp đỡ đâu, nên tự mà biết lo nghe con.
Tuổi thơ tôi, à mà của chúng tôi thời đó là như vậy đấy, đó là sự dạy bảo tự nhiên nhất, bản năng nhất mà chúng tôi nhận được từ cha mẹ để có những bài học trải nghiệm thực tế đủ hỷ – nộ – ái – ố trong cuộc đời, từ trẻ thơ đến khi trưởng thành, và có thể già đi vẫn vậy.
Khi tôi nói về vấn đề này với các bậc cha mẹ trẻ thì thấy họ rất ngơ ngác. Nhưng nói với những người tầm tuổi chúng tôi thì luôn nhận được sự chia sẻ rất chân tình “Tự nhiên nghe chị nói xong mới thấy mình đang sai phương pháp thì phải, con tôi không phải là tự nhiên mà là tự do quá mất rồi” hoặc “Chị nói tôi mới nhớ ra, tuổi thơ mình đúng như vậy nhưng đến ngày hôm nay tôi đang phát triển rất tốt mà”. Hoặc “Đúng là cha mẹ bây giờ loay hoay đến mức, tự nhiên hay tự do thực sự chúng tôi cũng không nhận ra”.
Nói thật, nhiều lúc đến bản thân tôi cũng hoang mang vì không biết phải giải thích thế nào về dạy con phát triển tự nhiên hay tự do cho nhiều cha mẹ cố tình không chịu công nhận. Họ nghe tôi nói mà cứ như tôi từ trên trời rơi xuống với những quan điểm cũ rích. Thậm chí khi nghe nói họ đang dạy con tự do thì luôn nhận được cái nhìn thiếu thiện cảm trong sự ăn thua, thái độ bất cần, sự cười khẩy rõ trên khóe môi. Nhưng kệ đi, nói là quyền của tôi, nghe hay không là quyền của các cha mẹ, ghét tôi cũng là quyền của họ bởi nói thật “Tôi cũng ghét cái sự được coi là tự nhiên mà đang giết dần đi tiềm năng, tố chất của quá nhiều con trẻ tôi gặp”.
Trả lời