Nếu con có bất kỳ hành vi nào dưới đây đừng cho rằng con có vấn đề bất thường, đặc biệt cho rằng con trẻ có vấn đề của chứng tự kỷ, tăng động giảm chú ý. Nó rất tội cho con và cha mẹ.
Với hơn 20 năm có cơ hội tiếp cận với quá nhiều các cha mẹ, các con trong các độ tuổi khác nhau, trong nhiều màu sắc cung bậc khác nhau. Và có những lúc thực sự không còn là sự trăn trở thông thường nữa mà là nỗi đau.
Tôi đau cho chính cái nghề đi bóc mẽ thẳng thắn của mình và cũng đau cho nhận thức của rất nhiều các bố mẹ được coi là thế hệ mới ngày nay. Họ mất phương hướng và bị ám thị nhiều vấn đề về con cái.
1. Ám thị cho rằng con em có vấn đề của chứng tự kỷ
– Phụ huynh: Sao con em có vấn đề của chứng tự kỷ mà bác cứ nói là con không như vậy, em đã cho con đi can thiệp ở trung tâm tự kỷ 2 năm rồi đấy.
– Phạm Hiền: Vậy trước đó con như thế nào và sau 2 năm can thiệp con em thay đổi được gì?
– Phụ huynh: Con có nói được thành câu hơn một chút, vì trước đó con chỉ nói được các từ và câu cụt? Ngoài ra, con không còn bật tắt điện nữa và cũng tập trung nghe lời hơn thay bằng trước đó con không chú ý gì nên không chịu ngồi im để nghe.
– Phạm Hiền: Em cho con đi can thiệp từ năm mấy tuổi và bây giờ là mấy tuổi?
– Phụ huynh: Con can thiệp lúc 3 tuổi và bây giờ con 5 tuổi ạ?
– Phạm Hiền: Con có biểu hiện gì không mà em cho rằng con bị tự kỷ?
– Phụ huynh: Em chỉ thấy con nói chậm hơn, không thích chơi với các bạn, không thể tập trung, hay bật tắt điện, không phân biệt được nguy hiểm, rất bướng và hay gào khóc đến tím lặng cả người?
– Phạm Hiền: Nhưng bây giờ con em lại đang có rất nhiều hành vi không ổn như nhổ nước bọt, kích động đánh bạn, nói tục, học rất nhiều thói xấu mà không nhiều đứa trẻ khác trong độ tuổi này bị vậy?
– Phụ huynh: Chắc con xấu từ các bạn học ở trung tâm can thiệp trẻ đặc biệt đấy ạ, em cũng thấy những vấn đề khác con học rất chậm nhưng cái gì xấu thì con học nhanh.
– Phạm Hiền: Trong thực tế thì con em không phải trẻ tự kỷ mà chỉ là sự hơi thụ động trong phát triển một chút bởi con đi học mầm non chậm, ở nhà ông bà bao bọc không cho ra ngoài chơi vì sợ bẩn đồng thời phục vụ con từng chút một. Mặt khác, em cho con xem youtube tiếng Anh quá nhiều thời gian trong một ngày nhưng không dành thời gian nói chuyện với con bằng tiếng Việt để cân bằng (lý do bận em nhỏ). Con chỉ có duy nhất một hành vi lặp lại là thích bật tắt điện nhưng rõ ràng em thấy đấy, do ông hay cùng con chơi trò bật tắt điện để con thấy thích và cười nhưng khi em lấy thước vụt mạnh tay con một lần thì con đâu có lặp lại nữa. Ngoài ra, con ăn vạ khi cần đạt được thứ gì đó và cứ con ăn vạ lâu là sẽ luân có thứ mà con muốn nên càng ngày trình ăn vạ của con càng cao, đến mức tím tái người rồi sau đó con vẫn luân có được.
– Phụ huynh: Bác nói thế nào ấy chứ em đi bao nhiêu nơi rồi, bên nào cũng chẩn đoán con bị tự kỷ mà mỗi bác cứ khăng khăng như vậy. Bác bị sai rồi.
– Phạm Hiền: Ok, bây giờ bác chứng minh cho em trong vòng 6 tháng áp dụng dạy con những gì con cần, nếu con không thay đổi thì em muốn xử lý bác kiểu gì cũng được. Nhưng bắt buộc phải thêm một điều kiện là bác cần gặp cả ông bà, bố của con để nhất quán thay đổi không bao bọc, không phục vụ con và đáp ứng cho con, không được cho con là đứa trẻ tự kỷ chẳng thể làm được gì để xót con mà khiến con bất ổn hơn. Nếu được như vậy thì bác sẽ nhận.
Chỉ trong khoảng hơn 3 tháng con không chửi tục, nhổ nước bọt, đánh bạn …, biết tự phục vụ bản thân mà không phụ thuộc làm hộ, làm các việc nhà (gấp quần áo, lau bàn ghế, lau nhà, rửa bát).
– Phụ huynh: Em thấy con thay đổi nhiều, bây giờ con tự lập và kiểm soát cảm xúc tốt. Nhưng em nói thật, con em vẫn là đứa trẻ tự kỷ nên bác đừng chủ quan, bác phải quan tâm đến con nhiều hơn đứa trẻ khác đấy.
Tôi tắt điện vì không biết phải chứng minh kiểu gì để mẹ thoát khỏi sự ám thị cho rằng con có vấn đề của chứng tự kỷ. Mẹ ấy đến cơ quan nói với đồng nghiệp (là bạn giới thiệu mẹ ấy đến với tôi) kiểu vui nhưng vẫn “Ừ, con cũng thay đổi nhiều, nhưng bác Phạm Hiền vẫn đọc sai, rõ ràng con có vấn đề của chứng tự kỷ”
– Phụ huynh: Bây giờ con học lớp 3 rồi và học trong top đầu của lớp, chơi với các bạn rất tốt, tự tin thuyết trình và mẹ ấy nói “Lạ nhỉ bác, sao con em tự kỷ mà có thể làm được những điều này, còn hơn cả các bạn bình thường bác ạ”.
– Phạm Hiền (bắt buộc phải nghiêm giọng): Nếu lần sau gặp bác mà vẫn câu cửa miệng con em tự kỷ mà thế này hay thế kia thì đừng có nhìn mặt bác nữa, rồi bác mắng cho mà lại thấy buồn.
– Phụ huynh: Cười hí hí theo kiểu vô can
2. Tưởng đến đây test chuyên gia thì cao siêu gì chứ nói con không có vấn đề gì như cô thì cháu cũng nói được
– Phạm Hiền: Con mới 3 tuổi sao mấy đứa lại đưa đến cô (2 vợ chồng sinh năm 1993).
– Phụ huynh (vợ khóc): Cô xem con cháu từ nãy đến giờ không ngồi im được leo trèo, luôn chân tay không biết nguy hiểm là gì, ở nhà thì bướng lắm không nói được ạ, đánh mẹ và đánh em bất kỳ lúc nào tức giận ạ. Cháu thấy con cháu có vấn đề không bình thường ạ.
– Phạm Hiền: Các bạn sợ con bị tăng động hay con có vấn đề của chứng tự kỷ?
– Phụ huynh (chồng xen vào nói gay gắt và rất hấp tấp): Cháu đã nói với vợ cháu là con cháu có vấn đề gì đâu mà cứ nói là con có vấn đề của chứng tự kỷ, nói thật là hôm nay đến đây cháu không thích đâu, nhưng vợ cháu cứ khóc lóc nên cháu phải đến thôi.
– Phạm Hiền: Cứ bình tĩnh, con không tăng động giảm chú ý mà cũng không tự kỷ. Vì con đã nói được khá nhiều, còn leo trèo chưa phân biệt được nguy hiểm là do hiếu động và nghe kể thì các em chỉ quát con mà không hề dạy con như thế nào là nguy hiểm, thay bằng con trèo như vậy thì con sẽ ngồi như thế nào. Cô nói thế có đúng không?
– Phụ huynh (vợ): Dạ vâng ạ, vì cháu còn có em bé mới được mấy tháng mà con cứ leo trèo thậm chí dẫm cả vào em nên cháu quát mắng, thậm chí đánh con nhưng nó vẫn vậy.
– Phạm Hiền: Thực ra các bạn cần thay đổi cách nhìn con. Hãy nhớ rằng con mới 3 tuổi đang cần học cách leo trèo, ngồi, đi lại hay bất kỳ các hành động nào sao cho đúng nên nếu chỉ quát tháo, đánh con thì con càng không thể hiểu được đúng sai để thay đổi cho lần sau. Mặt khác, giai đoạn này sẽ hình thành tính cách đòi hỏi, lì bướng, phản kháng nếu không đạt theo ý mình nên càng cần bình tĩnh giảng giải cho con từng tình huống một. Bố cũng đang bị nóng tính và hấp tấp nên cũng hay quát mắng con à.
– Phụ huynh (bố): Vâng cháu đi làm về áp lực nên cũng không chịu nổi khi nó quá nghịch ngợm.
– Phạm Hiền: Người lớn chưa biết cách kiểm soát cảm xúc và hành vi nỏng nảy của mình thì sẽ dạy ngược lại con, nên cần điều chỉnh mình trước. Về nhà rồi thì vứt công việc lại phía sau lưng để dành toàn tâm toàn ý cho con cái và gia đình, đừng chỉ để vợ với các con nó sẽ gây áp lực mà càng mất kiểm soát.
– Phụ huynh (vợ): Anh ấy về chẳng làm gì mà chỉ quát tháo con, lúc nào cũng nói nhiều việc và mắng cháu là mỗi việc dạy con cũng không xong, cháu rất áp lực.
– Phạm Hiền: Được rồi các bạn cứ hiểu con không có vấn đề gì hết, bố mẹ cần đồng hành với nhau để tự dạy con. Con không phải khám hay can thiệp gì đâu vì con hoàn toàn bình thường.
– Phụ huynh (chồng): Nói thế thì cháu cũng nói được, cháu tưởng cô là chuyên gia thì phải có gì đó cao siêu chứ, chỉ thế thôi thì nói làm gì.
– Phạm Hiền (bình tĩnh vì đoán được tiếp theo là gì): Thế các bạn muốn cô cao siêu những gì? Dạy các bạn những điều không tưởng à?
– Phụ huynh (chồng): Không phải vậy, nhưng chí ít con cháu có các biểu hiện như vợ cháu nói thì cũng phải có một chút bệnh hay vấn đề gì và phải có phương pháp khoa học chứ.
– Phạm Hiền (bình tĩnh hơn vì biết bạn ấy đang mâu thuẫn nửa muốn biết con có vấn đề, nửa lại không muốn nói con có vấn đề): Ý nói là cô phải hướng dẫn phương pháp khi con bạn được cho là đứa trẻ có vấn đề hả? Cô không thể nói sai được! Bạn cứ kiểm soát cảm xúc của mình và tỉ mỉ dạy con hiểu từng chút một mọi thứ thì con sẽ thay đổi. Bạn có đang bị mâu thuẫn không khi lúc đầu thì nói con cháu không có vấn đề gì, bây giờ lại muốn cô dạy phương pháp của trẻ có vấn đề là sao? Cô đã hướng dẫn từng cách đọc sách cho con nghe, từng cách dạy con làm như thế nào, cách bố mẹ tương tác rồi (hướng dẫn trong từng vấn đề cho bố mẹ và vợ có ghi chép tỉ mỉ)
– Phụ huynh (chồng đứng dậy đi ra ngoài): Cháu chào cô, thôi em cho đi khám ở bệnh viện đi, ở đây không phát hiện ra con có bệnh đâu.
Đúng là có những con trẻ thiệt thòi khi mắc phải nhiều các vấn đề bất cập, nhưng có nhiều con trẻ lại bị làm quá lên hoặc bố mẹ cứ mâu thuẫn giữa con có vấn đề hay không có vấn đề mà trở nên lộn xộn. Lúc thì cho rằng con không sao, lúc lại dán nhãn rõ ràng con bị như vậy nên cũng khiến tôi gặp nhiều tình huống cười ra nước mắt.
Bởi nói thực thì tên gọi của tự kỷ hay tăng động giảm chú ý rất nhạy cảm, và cũng có nhiều khi bị nhầm lẫn từ những đứa trẻ chỉ là hiếu động, hay hơi chậm phát triển trí tuệ hoặc chậm phát triển ngôn ngữ. Nhưng có thể nó là các cụm từ đang được quan tâm quá nhiều bởi sự lo lắng sợ con bị như vậy, nên cũng khó để nhận diện đúng sai trong các bậc cha mẹ khi họ đã vô tình hay cố ý bị ám thị chúng!
Trả lời