Con áp lực học trong tập do ai?
Các bậc cha mẹ thường lo lắng về việc chọn lớp, chọn trường cho con. Những đứa trẻ được cha mẹ định hướng thi vào trường chuyên, lớp chọn thì vội vã, cuống cuồng trong các kỳ thi tuyển. Đến khi vào được lớp rồi, phần lớn cha mẹ bắt đầu lo đến chuyện học thêm bởi một suy nghĩ: Cô không dạy hết ở lớp đâu, cô để ở lớp học thêm dạy nốt… Hoặc quan niệm rằng: Tất cả là vì con – vì muốn con có một cuộc sống tốt đẹp hơn, vì muốn con phải sung sướng hơn cuộc đời cha mẹ, và chung quy ước mơ của cha mẹ sẽ dần chở thành ước mở của cuộc đời con, dù không thành thi cha mẹ cũng ép vào để thành… Liệu rằng đây có chính là những nguyên nhân khiến con áp lực trong học tập?
1. Tại cô giáo đấy không thể cãi được
Đúng là lớp học thì quá đông và làm sao mà xuể để quan tâm, uốn nắn…, từng con được chứ. Những suy nghĩ như vậy cứ len lỏi, ngấm sâu từ chính những thầy cô, từ cả những cha mẹ đồng cảm với thầy cô và kể cả từ chính những người đang có cái nhìn thực tế nhất về thực trạng cơ sở vật chất giáo dục hiện nay. Vì vậy, đương nhiên có những con mà cô không thể quan tâm đến hoặc cô không muốn quan tâm nữa là “chuyện bình thường”
Mặt khác, nhiều học sinh nên việc quản lý, hò hét, quát tháo…, đã mất nhiều thời gian thì thời gian học sẽ không có nhiều, nên sao còn thời gian để chữa bài, để giảng cho từng học sinh hiểu, hoặc để luyện bài tập nhiều trên lớp cho con nhớ. Vì vậy cô phải giao bài về nhà nhiều cũng rất bình thường và vì lớp nhiều học sinh nên con không hiểu bài mà không dám hỏi, không được hướng dẫn để hiểu…, thì “về nhà con đánh vật với bài tập đến nửa đêm cùng mẹ cũng tất nhiên”
Cô vì thành tích ư, cũng đúng. Ai dạy mà chẳng muốn trò phải giỏi. Giống như bác nông dân trồng lúa thì cũng mong được mùa, trồng rau thì không muốn bị sâu…, nên ra sức mà “chăm bẵm” và “lo lắng”. Không đủ thời gian dạy trên lớp thì phải phụ đạo, dạy thêm cũng dễ hiểu. Cứ như thế lâu dần nó cũng thành thói quen cố hữu và thôi thì giờ học riêng của cô cũng thành bắt buộc vì đơn giản cô sợ con rời cô ra thì không thể biết được con sẽ ra sao, cô sẽ ra sao mỗi khi kỳ thi đến.
2. Cha mẹ càng chẳng thể vô can
Ngày càng nhiều những kêu ca phàn nàn của cha mẹ về việc học hành của con cái. Trước kia không có quy định về việc cấm giáo viên giao bài tập cho học sinh tiểu học thì cha mẹ kêu than “Con nhiều bài tập quá” nhưng sau khi có lệnh cấm giao bài thì cũng lại vẫn tiếng kêu than ấy “Cô giáo không giao bài nên con suốt ngày chơi chẳng chịu học hành gì cả’’ hoặc “Cô giáo không giao bài nên mẹ tự cho con làm thêm ở nhà nhờ cô nhưng cô cũng không chữa hộ’’ hoặc “Chán thế mình thì không hiểu con bây giờ học như thế nào nên giao bài cho con, nhờ cô chấm thì cô bảo đấy không phải trách nhiệm của cô”
Trước kia không cấm đi học thêm con vẫn thêm việc đi học ngoài ở trường. Bây giờ cấm dạy thêm, học thêm con cũng vẫn ngày ở trường, tối ở trung tâm kể cả không học thêm nhà cô giáo thì con cũng vẫn quy trình thời gian thêm học ở bên ngoài. Môn nào cũng học, nào võ, vẽ, cờ, múa, đàn, tiếng anh, kỹ năng, kích não phải não trái, kịch ảo, tư duy, bàn tính, …., con không thích đi học cũng ép. Càng ngày nghỉ con càng đi học nhiều hơn. Hơn nữa cũng giống như cô giáo cha mẹ muốn con đi học gì thì cũng phải giỏi, phải làm bài tập của các nơi đó thật tốt…, nhưng vì cha mẹ nghĩ rằng học những môn đó là môn giải trí thì áp lực cái nỗi gì và rốt cuộc con áp lực thì vẫn chỉ tại mỗi các môn văn hóa ở trường chứ không phải con rong ruổi đi quá trời nơi mà phát mệt và nhạy cảm đến mức chỉ cần nói đến chữ học thì không cần biết học gì con đã sợ.
Lúc nào cũng câu nói rất chí lý “sao mà nhiều bài tập thế” hoặc “nền giáo dục thối nát” hoặc “phải cho đi học nước ngoài chứ không thể chấp nhận được nền giáo dục kiểu này” …, và các con cũng nghĩ chí lý như vậy vì ngẫu nhiên vô tình hay cố ý thì con cũng đã được cổ súy mọi lúc mọi nơi khi nghe và đọc những bình luận của những bậc cha mẹ và “học nhàm chán lắm” hoặc “con không thích cách dạy kiểu này con thích cách học của nước ngoài cơ” hoặc “học ở việt nam chán lắm”…
Bao bọc con cái quá đà. Con chưa nghĩ đã sợ áp lực não bộ, con chưa làm đã sợ phải làm nhiều thì mệt. Ngạc nhiên chưa khi mà ngày càng thấy con trẻ vô cùng nhởn nhơ, ham chơi, lười học nhưng vẫn được cho là áp lực từ việc học tập quá nhiều. Nghĩ hộ, làm hộ, quyết định hộ… cho đến khi con thành thói quen ỉ lại, dựa dẫm, ngại vượt khó, không có nhu cầu suy nghĩ hay ghi nhớ… tư duy và ý thức cứ tự do, lang thang dạo chơi… Đến lúc muốn yêu cầu con làm theo ý mình thì con đã chơi quen nên lấy mất thời gian tự do của con thì “con chỉ biết” chống đối, đối phó kéo dài lê thê thời gian….Cha mẹ giục giã mỏi miệng cũng vậy, mãi chẳng thấy nó làm xong bài, thậm chí luôn thiếu bài… và lại hò hét, lại quát tháo nên con càng chây ì não bộ thì cha mẹ lại giật mình hình như con quá tải, con đang bị áp lực trong học tập, và cha mẹ càng mệt mỏi thì cũng cảm thấy áp lực học tập theo con…
Cha mẹ kỳ vọng vào con cái. Thấy con nhà bạn bè, con nhà người khác học giỏi thì cũng phải mong muốn con mình như vậy chứ. Hoặc anh chị hay em của nó học giỏi thì nó cũng phải vậy hoặc thậm chí bản thân bố mẹ học giỏi nên con cũng phải vậy. Không cần biết khả năng con ở vị trí nào cứ phải giỏi thì cố mà giỏi. Thế rồi hỏi nhau, chỗ này tốt, chỗ kia hay…, để đăng ký cho con học. Áp đặt, trì triết, so sánh…, lên con. Cô kỳ vọng con học giỏi để có thành tích, cha mẹ muốn con học giỏi để nở mày nở mặt với mọi người… Nên có cấm dạy thêm chỗ này hoặc cấm dạy thêm với cô giáo của con thì con cũng phải đến học ở những cô giáo khác.
3. Con là một tác nhân gây ra sự tranh cãi mãi không thôi
Việc hôm nay cứ để ngày mai. Ngày hôm nay còn đọc chuyện, xem phim, chơi game… và ngày mai cũng vậy, ngày mốt cũng vậy, trong đầu không có chữ học mà chỉ có chữ chơi. Nếu có học thì đối phó, kiến thức vào hôm nay ngày mai phải cho ra thật nhanh để cái đầu còn có chỗ chứa những trò chơi dở dang hoặc những thứ vui chơi mới đang chờ đón.
Kiến thức trong đầu là một mớ chắp vá. Ngồi nghe giảng thì như vịt nghe sấm vì chẳng cần nghe, đằng nào đi học thêm thầy cô chẳng giảng lại…, đến lớp học thêm thì tiềm thức nhắc nhở để nhớ rằng kiến thức này mình được học rồi mà, nên nghe làm gì cơ chứ. Chao ôi cái sự lạ lùng rằng học đi học lại tới hai lần thậm chí nếu học nhà cô, nếu học thêm gia sư…, thì tối thiểu cũng đến bốn lần học đi học lại mà vẫn chẳng hiểu gì để tự làm. Cuối cùng thì hình như học bây giờ quá khó hoặc chẳng biết giáo dục bây giờ kiểu gì hoặc học chẳng để làm gì và sự buông bỏ là cũng luôn bất đắc dĩ trong đương nhiên là vậy
Nghe người lớn nói rằng “giáo dục thối nát” hoặc “học sinh vất vả quá” hoặc “học không biết để làm gì?”… nên cứ ngồi học lại văng vẳng cái tiềm thức ấy và tận dụng tối đa cái việc học chán quá, học áp lực quá…, để đổ lỗi cho sự lười biếng, ham chơi, không kiên trì…
A dua theo nhau. Bạn bảo không thích học mình cũng vậy. Nhà bạn có điều kiện nên sẽ được đi du học nước ngoài…, nhà mình không có điều kiện cũng muốn ra nước ngoài để học…, càng nghĩ càng thấy thầy cô dạy chán, chẳng phù hợp với mình tí nào. Đi học chỉ để đến lớp chơi, không làm bài tập về nhà. Đến lớp bị mắng nhiều, ghi sổ đầu bài nhiều con cũng bãi miễn với sự thấy xấu hổ và cũng thấy vấn đề quen rồi nên chẳng sao.
4. Xã hội là một chất xúc tác khiến căn bệnh trầm kha hơn
Chính sách và đường lối cứ bộc phát theo đúng quy trình “Cứ ban hành đi -> Cứ thử đi đã -> Bất cập thì sửa -> Sửa không được nữa thì bỏ…. và lại tiếp tục quy trình với những ban hành mới nếu vẫn chưa xong”. Cô giáo thì loay hoay, học sinh phụ huynh thì bất ngờ. Nhưng mà cũng chẳng sao vì vốn dĩ quy trình nó phải vậy “không làm thì sao biết sai mà sai thì khắc sửa sao phải làm toáng lên chẳng giải quyết được gì”.
Đi ra đường đâu cũng thấy văn hóa biện hộ, đổ lỗi cho giáo dục việt nam yếu kém, giáo dục tây thì tuyệt vời nhưng chẳng thấy ai so sánh rằng “con tây và cha mẹ tây khác mà con việt và cha mẹ việt lại khác”. Cứ thế sính những PR quảng cáo mang áp dụng những phương pháp giáo dục “của người mù dành cho người mắt sáng” và của người “có vấn đề não bộ dùng cho người bình thường”… Đầu con như một cái thùng rác, cứ chứa tất cả những gì cho là “hiện đại, văn minh nhất” của tây mang về trong đó có thập cẩm phương pháp của cả tây châu á đến tây châu phi… Không cần biết nó có phù hợp với con mình không hay cũng không cần biết con mình yếu gì thiếu gì….Mỗi đứa con vô tình hay cố ý đã trở thành những con chuột bạch, để cha mẹ mang đi thí nghiệm hết phương pháp này đến phương pháp kia của người khác mà không căng não để áp lực mới lạ.
Đọc tràn lan việc “cấm cô giáo dạy thêm”, “bắt giáo viên dạy thêm” trong trường…, nhưng trung tâm, lò luyện học thêm thì quảng cáo đầy rẫy. Các cô giáo trở thành những người đi làm thuê cho các trung tâm thương mại thì không bị bắt, nhưng tự tận dụng chất xám và vốn kiến thức bao năm mà không đúng quy trình, quy định là chết ngay. Thế đấy lương thấp so với kỳ vọng chi tiêu của xã hội hiện đại nên phải chạy sô dạy thêm để có thêm thu nhập thì chắc cũng chẳng có thời gian đâu mà nghiên cứu, tiếp xúc với sự thương mại hóa quá nhiều thì tâm huyết cũng bị mai một dần đi trong sự tặc lưỡi chấp nhận. Vô tình hay hữu ý thì thầy cô giáo trong mắt học sinh bị thiếu đi sự trân trọng, ngày càng giống như tội phạm vì làm chui, ngày càng giống như con buôn vì phải làm kinh doanh thêm…, cứ phải ủ mưu, giấu giếm, lắt léo…, để dạy mà không phạm vào quy định ban hành.
5. Con phải làm sao đây?
Hãy nhìn xung quanh và nhìn xa hơn con nhé. Tại sao cũng lớp học này, cũng thầy cô này nhưng nhiều bạn trong lớp vẫn học giỏi, vẫn vui vẻ mà không bị áp lực. Tại sao cũng học trong nền giáo dục “thối nát này” nhưng hàng năm vẫn có nhiều bạn có những vị trí, thứ hạng cao trên trường quốc tế.
Chơi thì ai chẳng thích. Người lớn cho lựa chọn giữa chơi vẫn sống tốt và làm việc cũng sống tốt thì phần lớn có lẽ nhiều người sẽ thích vế đầu hơn nhưng chắc chắn vẫn có nhiều người sẽ lựa chọn vế hai hơn. Bởi đơn giản đó là cách lựa chọn theo quan điểm “sẵn sàng chỉ biết hưởng thụ mà không cần quan tâm đến vấn đề gì khác” với sự sung sướng rằng “tôi cảm thấy vui, thấy tự hào vì đã chiến thắng để có được thứ mình muốn…” mà thôi.
Buồn, chán, hay vui hoặc lười biếng hay chăm chỉ hoặc muốn hay không muốn…, chẳng ai cho mình mà tự mình tạo ra nó. Ngáp một lần sẽ thấy bắt đầu có hiện tượng buồn ngủ, ngáp càng nhiều lần thì cảm giác muốn ngủ lại càng thôi thúc. Muốn chinh phục một lần sẽ thấy đầy nhiệt huyết, luôn muốn chinh phục nhiều lần thì sự hào hứng đạt đến đích càng cháy bỏng hơn. Vì vậy, không thể đổ lỗi cho ai tạo nên sự nhàm chán cho chính mình mà do mình suy nghĩ như thế nào mà thôi.
Thế đấy, cuộc sống chẳng tự nhiên mà nảy sinh vấn đề. Tất cả luôn là “không có lửa làm sao có khói” và “hệ lụy hay hậu quả luôn là từ sự tương tác nhiều chiều chứ không phải của riêng ai và thường sẽ là những sự đòi hỏi bộc phát tức thời mà ra”. Để đến cuối cùng thì các con quá khổ và tất cả cha mẹ, thầy cô giáo, ban ngành liên quan cũng cùng quá khổ.
Không ai có lỗi tất cả nhưng công bằng mà nói đều là những tác nhân gây ra và hình như ngày càng mất kiểm soát nên đang rơi vào ngõ cụt. Cứ vùng vẫy, vẫy vùng trong cái ao tù chỉ biết nhận rác thải mà không có sự chắt lọc. Hệ lụy đang nhìn thấy chỉ là tạm thời của hiện tại nhưng kết quả thí nghiệm của “những con chuột bạch” trong tương lai xa không biết sẽ là gì….???
– Giá mà chính sách có sự chắt lọc và có mục tiêu ổn định lâu dài.
– Giá mà cha mẹ bớt bao bọc con cái và bớt kỳ vọng nhiều hơn mức độ con có hoặc có lộ trình hơn trong đầu tư cho con theo từng độ tuổi để biết con cần phải có gì ưu tiên hoặc đừng chỉ biết phó thác “con mình như thế nào là do giáo dục ở trường mà ra”
– Giá mà thầy cô giáo cứ dạy hết trách nhiệm, sự tâm huyết… và để cha mẹ và con tự nhiên được quyết định học thêm hay không học thêm mà không phải lăn tăn hay trong tâm thế bị cưỡng cầu.
Trả lời