Hiện nay rất nhiều bậc phụ huynh có những phán đoán nhầm tưởng về chứng tự kỷ hay tăng động giảm chú ý ở trẻ mà cho rằng con mình có khả năng bị mắc chứng tự kỷ tự kỷ hay tăng động giảm chú ý.
Hàng ngày, Phạm Hiền cứ mở máy ra là sẽ đọc được các dòng email từ các ngả gửi về:
- Ôi con cháu đến phải biết lẫy rồi mà không lẫy được, cháu lo lắng quá, con có vấn đề gì không cô ơi?
- Ôi con em nó không bò mà chỉ ngồi lê mông thôi, con có bị tự kỷ không chuyên gia?
- Ôi con em nó đang tập đi và chỉ đi nhón gót thôi, không đi bằng bàn chân như đứa trẻ khác, em đọc thì thấy đây là dấu hiệu của con bị tự kỷ nên cứ nhìn con đi là em buồn quá chỉ biết khóc thôi ạ?
- Con em ngồi xem ti vi và chứ phấn khích quá là hai tay hai chân cuống quýt cả lên, lần nào cũng lặp lại một hành vi như vậy, em lo con bị tự kỷ quá?
- Cô ơi cứu lấy con em, bây giờ em mất gì cũng được, bảo em chết để con em khỏi bệnh cũng được. Con em bị tự kỷ như thế này thì tương lai coi như hết rồi, cháu đẹp trai lắm ai cũng khen mà bây giờ bị như thế này thì sao em sống được chứ?
- Con em không ngồi im được, luôn chân tay leo trèo, suốt ngày bị ngã bêu đầu mà vẫn không sợ, em thấy con có biểu hiện của trẻ tăng động giảm chú ý?
- Em buồn quá không thể ngủ được, sao con em lại có tất cả các dấu hiệu của trẻ tự kỷ hả chuyên gia. Con bị chậm nói, bây giờ 4 tuổi mới nói được các câu cụt thôi, con không thích chơi với bạn chỉ chơi siêu nhân một mình, đi ngủ con chỉ cầm đúng một quyển chuyện bắt mẹ đọc hết ngày này đến ngày khác, đọc quyển khác con không chịu, con hay la hét gào thét khi không được thứ gì mình muốn, con chỉ thích ăn trứng và đậu phụ mà không ăn bất kỳ thứ gì khác?
- Con cháu 4 tuổi, cháu thấy con có nhiều biểu hiện của trẻ tăng động giảm chú ý vì con không tập trung được lâu vào bất kỳ vấn đề gì, cứ như bị điếc ấy cô ạ, gọi không bao giờ nó thư cô ơi giúp cháu với!
- Chuyên gia ơi cứu mẹ con cháu với, bây giờ cháu phải làm sao hả cô, cháu đi khám về và con cháu bị tăng động giảm chú ý rồi, con sẽ không bao giờ bình thường được như các bạn khác đúng không cô, sao mẹ con cháu lại khổ như thế chứ?
Nào thì thả email theo kiểu để trải lòng trên bàn phím, người đọc có đọc hay không không quan trọng, trong lúc bế tắc quá nên nó như là một kênh để xả. Hoặc lúc thì lại là tiếng kêu cứu như bầu trời đã bị đổ sụp. Không biết là Phạm Hiền may mắn hay đoán trúng nhưng phần lớn khi hỏi, khi phân tích thì các con không phải mắc các chứng như các mẹ đó nghĩ hoặc có mắc thì cũng chỉ là mới chớm hoặc mới dừng lại ở nguy cơ chứng tự kỷ hay tăng động giảm chú ý, và thường thì tìm ra nguyên nhân từ môi trường sống, từ chính cách dạy con chưa đúng cách của bố mẹ mà vô tình khiến con có các biểu hiện như vậy.
Cũng may mắn phần lớn các con được cha mẹ đào tạo để học hỏi và nhận thức từ các nguyên tắc, kỹ năng của các sinh hoạt hàng ngày nên thay đổi rất nhanh. Chỉ các con 3 tuổi nhưng chưa bật nói được thì cần nhanh hơn nên hướng dẫn các mẹ cho con đi can thiệp nói ở các trung tâm, khi con nói được rồi thì cha mẹ tự dạy con như những đứa trẻ bình thường khác (nhưng là cách dạy đúng để con học cách tự lập làm mọi việc chứ không phải là bao bọc và để con phát triển tự do).
Nhưng có những mẹ thì tôi rất khó để thay đổi được quan điểm của họ. Bởi họ cho rằng con đã thiệt thòi như vậy rồi thì phải cho con đúng là như thế mới giúp con tốt nhất. Con không thể được như các bạn thì con phải được bao bọc và yêu thương hơn anh chị em của chúng, con phải được dạy theo kiểu đặc biệt.
Rất tiếc những gì thực tế xung quanh con có thể nhìn thấy ngay, có thể chạm vào nó để con làm được cho chính con thì họ không dạy (ví dụ cái bàn, cái ghế, cái điều khiển ti vi …, sử dụng hàng ngày, các loại rau, các loại củ, các loại quả thật…, các hoạt động con cần biết làm trong cuộc sống thật của con trong sinh hoạt hàng ngày) mà chỉ cho con chạy đi để học những thứ qua mô hình của hình ảnh.
Họ cứ mải miết cho rằng con mình không thể dạy như những đứa trẻ bình thường được, nó phải là những gì khác với thực tế thường ngày thì mới là đúng. Nó phải là phương pháp mà không dùng để dạy những đứa trẻ bình thường được thì dạy con mới hiệu quả. Cứ đi, cứ chạy rất vất vả thấy con chỉ nhích lên một chút, chỉ một chút thôi là niềm hạnh phúc vỡ òa. Cho đến vài năm sau con họ có thể nói được, con có thể đi học được mặc dù học kém, con họ có nhiều thay đổi khá hơn so với thuở ban đầu khi mới phát hiện. Mặc dù so với các bạn vẫn kém hơn nhưng vì con có vấn đề nên như thế này đã là tốt hơn lắm rồi, con cũng chỉ thay đổi được đến thế thôi.
Có cha mẹ vẫn có hy vọng và tiếp tục kiên trì kể cả con đã vào cấp 2, cấp 3, nhưng phần nhiều cha mẹ thì khi con chỉ thay đổi một chút đã tự hài lòng mà dừng tiếp tục để con phát triển sau khắc phục, hoặc tự cho rằng con chỉ như vậy là khá lắm rồi mà dừng lại, để rồi lẽ ra con vẫn phải tiếp tục chạy để kịp tuổi thì con vẫn thụt lùi ngày càng khoảng cách hơn nhiều so với các bạn trong mỗi độ tuổi lớn lên.
Đừng hoang mang mà nhầm tưởng về chứng tự kỷ hay tăng động giảm chú ý ở trẻ. Quan điểm của cha mẹ là vô cùng quan trọng kể cả con có vấn đề nghiêm trọng hay không có vấn đề gì. Vì nó sẽ là đường lối để dạy con đúng hay không đúng cho cả một tương lai dài thậm chí là cuộc đời của con. Vì vậy, hãy đừng chủ quan nhưng đừng quá dán nhãn con chỉ thế thôi hoặc con đã như vậy rồi thì cũng khó lắm hoặc con bị như vậy thì sẽ không còn cơ hội cho con đâu. Không có gì là không thể với bất kỳ đứa trẻ trong trạng thái nào và “Không có đứa trẻ khiếm khuyết hoàn toàn mà chỉ có đứa trẻ chưa đặt vào đúng vị trí để được phát triển tốt nhất mà thôi”
Trả lời