Nhiều bố mẹ đang hiểu sai nghiêm trọng để rồi quá hoang mang khi đi khám và biết con bị triệu chứng tăng động giảm chú ý ở trẻ, hoặc tự đọc tự dán nhãn con mình bị như vậy.
Phạm Hiền không nghĩ rằng sự nhiễu loạn thông tin cao đến mức mà họ nghĩ con mắc hội chứng này cũng giống như các con mắc hội chứng tự kỷ để rồi như bầu trời sụp đổ khiến suy sụp tinh thần vì nghĩ con không thể bình thường.
Hãy tỉnh táo để yêu thương con và nuôi con đúng cách. Đừng tự đọc hoặc nghe hoặc thậm chí bị vô tình dọa từ sự quảng cáo, thậm chí thương mại hoá đủ thứ mà không có sự suy luận thực tế quy luật cuộc sống để vô tình mà hại con.
1. Không nên quá hoang mang về tăng động, tự kỷ, kiểm soát hành vi, mất tập trung ở trẻ
- Chứng tăng động giảm chú ý ở trẻ không phải là bệnh nên không thể uống thuốc, đặc biệt các loại thuốc được quảng cáo để tập trung, để không nghịch ngợm và các thuốc dùng cho động kinh, dùng cho các bệnh khác về não bộ.
- Có thể có vài biểu hiện của chứng tự kỷ nhưng không phải con mắc tự kỷ thì không thể có tâm thế dạy con, can thiệp cho con theo cách của các bố mẹ có con như vậy. Mỗi hội chứng có mức độ khác nhau và có các nguyên nhân khác nhau.
2. Các biểu hiện của con phải được điểu chỉnh từ chính cách dạy và môi trường sống trong gia đình
- Con hiếu động luôn chân luôn tay không thể ngồi yên, thậm chí dễ mất kiểm soát hành vi mà không phân biệt được nguy hiểm. Thay bằng kháo nhau để con phát triển tự nhiên nhưng thực ra là nuôi dưỡng sự phát triển tự do thì phải dạy con các nguyên tắc. Thay bằng con không phải làm gì vì được phục vụ tận răng, con cợt nhả thì thấy vui mà cổ súy hãy dạy con có trách nhiệm. Thay bằng cứ khi xảy ra vấn đề gì thì giáo điều hoặc quát mắng mà không kiên trì để dạy con từ kiến thức đến thực hành từ nguyên tắc, kỷ luật hành vi thông qua các hoạt động công việc nhà, vui chơi có sự tỉ mỉ, nhất quán và đến cùng trong sự dẫn dắt cùng với bố mẹ. Cần xem xét dừng xem và chơi công nghệ với các chương trình hình ảnh mạnh (nếu có xem chỉ nên là các chương trình nhẹ nhàng nói chuyện, khám phá và không quá 45 phút /1 ngày). Chú ý đến chế độ ăn uống có bị nhiều chất gây hiếu động thái quá (đồ ngọt, chất có ga, …)
- Con mất tập trung và giảm chú ý thì cần sự tương tác làm việc cộng với nói chuyện, phản xạ, phản biện nhanh cùng con liên tục thay bằng cứ để con tha thẩn tự chơi hoặc chỉ chơi mà chẳng làm gì. Thậm chí quẳng cho con ti vi, điện thoại để con chơi cho bố mẹ được yên thân. Đặc biệt cắt các hoạt động lan man như ngồi vẽ bất cứ lúc nào, chơi bất cứ lúc nào mà phải quy định các mốc thời gian cho từng hoạt động cụ thể.
- Con kiểm soát cảm xúc kém thì phải điều chỉnh từ cảm xúc bất ổn của bố mẹ hoặc những người xung quanh con (nếu có). Mặt khác, cần xem xét đến các yếu tố nuôi dưỡng sự đòi hỏi vượt ngưỡng của con khi con luôn được bao bọc, được đáp ứng muốn gì có đó. Vì vậy khi muốn hoặc khi bị không như mong muốn con sẽ quẫy đạp đến cùng để có.
- Con chậm nói cần xem xét đến môi trường giao tiếp có không? Có xem công nghệ nhiều đến mức thụ động chiều tương tác trực tiếp? Khám các phần cứng có vấn đề gì không? Có đang chỉ chú trọng cho con học ngoại ngữ mà quên dạy song song tiếng mẹ đẻ.
- Con tương tác kém bởi những đứa trẻ này chủ yếu hoạt động hành vi nên ít khi để ý đến chiều sâu quan sát và chú ý đến mọi người nên hãy dạy con tỉ mỉ từng cách quan sát, từng cách tương tác để chơi, để làm cùng mọi người mọi thức xung quanh con (theo độ tuổi)
- Hãy nhớ rằng, đây là các biểu hiện của những đứa con trong thời công nghệ tự do, bao bọc. Con chỉ việc chơi tự do và được phục vụ tận răng, con được dạy từ quan điểm để con phát triển tự nhiên nhưng thành tự do, bố mẹ không có thời gian dành cho con mà khoán cho người khác.
- Phải tỉnh táo để dạy con và ngăn chặn các nguy cơ từ chính các thói quen, cách tương tác ứng xử trong gia đình giúp con có nguyên tắc, tính kỷ luật cá nhân và các nguyên tắc trách nhiệm với những người xung quanh.
Cha mẹ hãy tỉnh táo và thương con đúng cách, hãy ngừng ngay sự thái quá hiểu về chứng tăng động giảm chú ý ở trẻ. Thay vì đi “vái thầy tứ phương” để chữa cho con khi thấy con có những biểu hiện tương tự với chứng tăng động giảm chú ý, thì điều quan trọng nhất là hãy bình tĩnh theo dõi và quan sát con, đồng hành chia sẻ cùng con hàng ngày, từ đó tìm ra nguyên nhân chính xác về sự thay đổi bất thường của con. Hiện nay, phương pháp giáo dục kỹ năng sống kiểm soát hành vi được coi là lựa chọn ưu tiên số một khi trẻ mắc chứng tăng động, nếu đáp ứng tốt, chắc chắn hành vi của trẻ và khả năng tập trung chú ý sẽ sớm được cải thiện.
Trả lời