Vân đề chuẩn bị tốt tâm lý cho con khi con vào lớp 1 là vô cùng quan trọng vì dây là giai đoạn chuyển từ mầm non sang lớp 1 là một bước chuyển lớn với các bé. Nhiều trẻ sẽ bỡ ngỡ và có thể gặp không ít khó khăn lúc mới vào lớp 1, khi đang quen được chăm sóc, vui chơi phải chuyển sang môi trường mới, với hoạt động học tập là chính, ngồi một chỗ, viết bài, làm toán trong thời gian dài. Câu chuyện dưới đây phần nào giúp các cha mẹ có thể hiểu được tầm quan trọng của việc chuẩn bị tốt tâm lý cho con khi con vào lớp 1
Vì hay xem phim Hàn với mẹ, ngấm từ việc con của nhà giàu thừa kế công ty và tài sản của gia đình nên anh bạn có chút ngộ nhận ngay từ khi còn học mẫu giáo.
Được cái thì cũng mũm mĩm, trắng trẻo, có gu thời trang (kiểu body của bạn nhỏ tròn tròn), mùa nào cũng đi giày hoặc chí ít phải là dép quai hậu (không bao giờ đi dép lê hay mặc quần áo ở nhà ra ngoài) nên các cô giáo, các bạn cũng yêu quý mà cho là tâm điểm.
Hôm nào mặc bộ quần áo vest hoặc gi lê là anh bạn rất hùng hồn “Hôm nay các bạn không gọi tớ là Tom nhé mà phải gọi tớ là sếp, hôm nay tớ là sếp cứ hiểu thế là đủ (3,5 tuổi, ít tuổi nhất lớp nhưng cứ dõng dạc kiểu như vậy). Các cô giáo thì thấy đáng yêu nên thường cười sảng khoái và cổ vũ. Mãi đến khi con khoảng gần 5 tuổi bố mới phát hiện ra và kể với mẹ. Vậy là anh bạn bị đưa vào tầm ngắm “Con không thể làm sếp được hãy là nhân viên nhé, vì phải là nhân viên thì mới biết hết mọi việc và sau này mới làm sếp giỏi được”.
Vào lớp 1 anh bạn được để cử làm lớp trưởng vì hình thức cao lớn hơn các bạn nhưng bố cương quyết đề xuất không cho làm vì tiểu sử đã từng ngộ nhận và suýt trở nên ngạo mạn. Trong một tuần đầu tiên đi học cô chưa biết anh bạn là ai, lại không làm lớp trưởng nên càng không có cơ hội để gần gũi cô nên thấy trầm hẳn, thấy buồn…, (trong khi ở mẫu giáo thì đang được là tâm điểm, số 1).
Mẹ quan sát đến gần hết tuần 2 dẫn anh bạn đi dạo và hỏi “Mẹ thấy Tom dạo này trầm quá, không vui vẻ, không kể chuyện hài cho mẹ nghe, hình như đi học lớp 1 nên người lớn rồi sao í”. Anh bạn im lặng không nói gì chỉ cúi đầu. Mẹ ngồi xuống nhìn mặt thì thấy nước mắt chảy dài nhưng không khóc lớn. Mẹ lại hỏi “Con thấy buồn gì hả, con cứ khóc đi xong rồi kể với mẹ nhé”. Anh bạn khóc oà nức nở “Mẹ ơi, mẹ ơi … (rất thống thiết) mẹ cho con về học lớp mẫu giáo của con đi, con không đi học lớp 1 đâu, con buồn lắm. Cái trường gì mà cô chẳng biết yêu thương học sinh gì cả, ngày mai mẹ cho con về lớp của con đi, con nhớ cô và các bạn lắm, con không thể chịu được đâu, con nói thật đấy mẹ ơi (nói tràng dài gấp gáp như nó đã bị kiềm chế quá lâu và bây giờ được thoát ra).
Chờ anh bạn khóc hết xong mẹ ôm và nói “Con là cậu bé rất bản lĩnh mà, bây giờ bình tĩnh nghe mẹ hỏi nhé!”
“Sao cô giáo lại không quan tâm đến học sinh?
Vì cô không chào con, dắt tay con và ôm con như các cô ở mẫu giáo của con. Vì cô không khen con, cô không biết con là ai, bây giờ con cũng không làm lớp trưởng nữa, con chỉ là học sinh thôi, có nghĩa là không có quyền gì, con phải nghe lời các bạn lớp trưởng và các bạn có chức vụ trong lớp í, không được cãi lời đâu, còn rất nhiều thứ nữa, mẹ cho con về lớp của con đi!”
Sau gần 2 giờ nói chuyện và nhận ra rằng anh bạn đang bước đầu của sự sang chấn tâm lý vì cảm thấy hụt hẫng khi trước kia bản thân là số 1 nhưng bây giờ thì không ai biết anh bạn là ai, nên anh bạn như rơi từ trên cung trăng xuống mặt đất vậy.
Phân tích về sự khác biệt giữa mầm non và tiểu học, khích anh bạn: “Là do lớp 1 không phải đóng bỉm nữa nên lớn rồi và cô giáo không phải là không yêu con, không quan tâm đến con mà do cô đang thử thách xem bạn nào có bản lĩnh và tự tin nhất đấy. Ví dụ bạn nào chủ động nói chuyện và tâm sự với cô này, bạn nào sẵn sàng giúp đỡ cô giờ ăn, giờ ngủ này…, Mà rõ ràng con có thế mạnh đó mà, ai cũng bảo thế luôn. Mẹ tin con sẽ cho cô giáo biết con là ai nhé “Tom đẹp trai, lễ phép, thân thiện và tình cảm nữa này”. Mẹ chắc chắn con sẽ trở lại là đàn ông đích thực trong ngày mai, cô sẽ choáng váng cho mà xem”.
– Anh bạn hết khóc và lấy lại rất nhanh sự tưởng tượng: “Thế hả mẹ, cô mà choáng váng là cô ngất đúng không, đến khi cô tỉnh dậy nhìn thấy Tom khác luôn… hihi”
Tuy nhiên, hôm sau bố cũng là người nói chuyện kín đáo với cô giáo về tâm lý và tâm trạng của anh bạn. Hôm đó cô chủ động quan tâm đến anh bạn và vào mạch nên anh bạn kể rất nhiều chuyện trên trời dưới biển cho cô nghe. Về nhà bảo mẹ “Thôi con không về lớp con nữa mẹ ạ, con học ở đây được rồi, con lớn rồi nên phải học lớp 1 nếu không sẽ bị bảo là bé bự đóng bỉm đấy”.
Anh bạn không gọi là cô giáo mà luôn gọi là mẹ H, ngày nào cũng kể chuyện hài cho cô nghe, đi ngủ trưa thì gối đầu tay cô ngủ. Đi học về vui vẻ thậm chí nói với bố “Bố ơi bố đón con muộn hơn đi, để con ở lại chơi với mẹ và các bạn”. Đến bây giờ 16 tuổi cô giáo dạy lớp 1 vẫn hỏi han và dõi theo con!
Trong thực tế những con trẻ nhút nhát thì rất dễ nhận ra có nguy cơ dễ khớp tâm lý khi vào lớp 1. Tuy nhiên, những đứa trẻ hồn nhiên, nhanh nhẹn và là tâm điểm đôi khi lại bị nặng nề hơn nếu con là đứa trẻ tình cảm. Vì con đã quen được quan tâm, được khích lệ hào hứng hàng ngày khi học mẫu giáo. Nhưng những ngày đầu vào lớp 1 thì cô sẽ chưa biết tính cách, tình cảm hay thế mạnh của con nên khiến con bị bất ngờ như ngày hôm qua thì trên cung trăng và hôm nay lại động ngột chạm đất nó là sự hụt hẫng về tình cảm và thêm sự hụt hẫng. Vì không gặp cô giáo và các bạn cũ mà hoàn toàn là người mới. Con sẽ dễ nhạy cảm và tự thu mình lại, để rồi nếu không nhận ra thì những sự hồn nhiên, nhanh nhẹn của con sẽ dần bị biến mất. Đây cũng chính là lý do mà nhiều bố mẹ nói rằng “Tại sao mẫu giáo con em rất tự tin nhanh nhẹn, thông minh hài hước nhưng đến hôm nay thì nhút nhát, thu mình”.
Những ngày đầu tiên con vào lớp 1 là những ngày quan trọng vô cùng cho sự phát triển tiếp theo của con. Nên cha mẹ đừng bao giờ chủ quan mà hãy tỉ mỉ quan sát làm bạn với con từng giây từng phút! Hãy chuẩn bị tốt tâm lý cho con khi con vào lớp 1 nhé!
Trả lời