Cha mẹ làm thế nào khi trẻ dậy thì
Khi trẻ dậy thì con có những thay đổi về tâm sinh lý mà cha mẹ nếu như không bám sát sẽ rất khó để hiểu được con đang muốn gì và cần gì cho giai đoạn này. Nhiều cha mẹ cũng lúng túng khi con bước vào giai đoạn dậy thì. Hãy cùng theo dõi bài viết sau đây.
1. Đừng áp đặt trẻ
Dậy thì chính là khoảng thời gian có những bước ngoặt lớn trong đời của trẻ. Ở giai đoạn này trẻ thường cáu kỉnh, stress bởi áp lực học hành, thày cô, bạn bè. Chúng có những ý kiến và mong muốn chứng tỏ bản thân đã trưởng thành với bố mẹ. Chính điều này đôi khi khiến cho cha mẹ và con cái xảy ra mâu thuẫn.
Giai đoạn này, nếu áp đặt con cái sẽ khiến các em trở thành những người ích kỉ, cáu gắt và bướng bỉnh. Thay vì áp đặt bắt trẻ phải làm những điều mà chúng không muốn, các bậc cha mẹ nên chia sẻ, dành nhiều thời gian tâm sự với các em để tìm hiểu xem trẻ thích gì, muốn gì?
2. Kiên trì
Tuổi dậy thì trẻ có xu hướng khẳng định bản thân và không muốn bị ép buộc bất cứ thứ gì. Chính vì thế cha mẹ và tính cách, cách ứng xử của tất cả mọi người trong gia đình chính là tấm gương để trẻ học và ứng xử theo. Những lúc này cha mẹ cần chú ý về cách ứng xử, lời nói cũng như định hướng cho trẻ cách ứng xử.
Hoặc tính khí trẻ dậy thì luôn thích làm trái ý cha mẹ, đặc biệt khi bạn càng cấm thì trẻ lại càng hứng thú với việc đó. Hãy nhớ rằng chống lại trẻ tuổi mới lớn là chống lại dòng nước lũ. Khi bị lũ cuốn, cách ứng xử khôn ngoan là hãy trôi cùng dòng nước đến khi có thể gặp được chỗ nào đó, có cái gì đó để bám. Cố dẫy dụa, quẫy đạp vừa mất sức, vừa có thể bị lũ cuốn mạnh hơn.
3. Cùng trẻ làm thiện nguyện
Những công việc từ thiện khiến cho trẻ có cái nhìn nhân văn và yêu thương con người hơn. Đây cũng chính là cách mà các cha mẹ bồi đắp cho con tình cảm, sự yêu thương và lòng nhân ái.
Đề ra những kế hoạch, chương trình tình nguyện và động viên con cái cùng tham gia. Những hoạt động tình nguyện cũng đồng thời là những hoạt động ngoại khóa rất bổ ích nuôi dưỡng tâm hồn trẻ dậy thì.
4. Dạy con cách suy nghĩ tích cực
Tuổi dậy thì con có những khủng hoảng trong tâm lý mà cha mẹ cần chú ý định hướng cho con. Chúng sẽ loay hoay trong việc xử lý các tình huống, các mối quan hệ cũng như chưa biết cách nhận định vấn đề đúng sai. Những lúc này bố mẹ cần chú ý hướng dẫn cho con cách nhận định vấn đề tích cực, suy nghĩ tích cực. Từ đó mới có những cách giải quyết vấn đề tích cực, giúp con sống đúng với lứa tuổi nhưng ứng xử đầy bản lĩnh và chững chạc.
5. Tâm sự với con nhiều
Sự thay đổi tâm sinh lý ở lứa tuổi dậy thì sẽ dễ khiến trẻ bị stress. Điều nên làm khi trẻ rơi vào trạng thái stress bệnh lí là nên chia sẻ với ba mẹ, thầy cô và những người thân, hoặc tìm gặp bác sĩ tâm lý… Tuy nhiên, trẻ lại không tự chủ động điều này mà thường thu mình lại, với những thắc mắc, khó chịu “giấu kín” trong đầu.
Hãy giúp con vượt qua giai đoạn khủng hoảng này bằng những cuộc trò chuyện nhẹ nhàng, nhưng thẳng thắn, trẻ sẽ cảm nhận được tình yêu của cha mẹ dành cho mình. Bố mẹ cần mang đến cho con những lời khuyên, những lý giải kịp thời về điều con trẻ tò mò muốn biết.
Trả lời