Tôi cũng đã chán nản và buông xuôi khi học
Khi học cấp 2 tôi học rất tốt môn toán, lý, hóa… đặc biệt môn vật lý tôi thích nhất. Tôi đỗ vào lớp 10 của một trường cho là chuyên của thời điểm những năm đó và bây giờ vẫn là trường chuyên.
Khi vào học tôi được phân công là lớp phó học tập và được xếp vị trí ngồi cạnh bạn lớp trưởng cũng là nữ. Thời đó các thầy cô giáo luôn có một thói quen, cứ vào năm học mới ( đặc biệt chuyển cấp) các thầy cô giáo sẽ làm quen với học sinh bằng cách cho mấy bài tập để học sinh làm trong một thời gian nhất định sau đó nộp bài đồng thời sẽ gọi vài bạn lên chữa để thẩm định khả năng của học sinh, của lớp.
Vài hôm học đầu tuần kiểm tra môn toán, văn tôi rất hào hứng, vì bị gọi lên bảng nhưng luôn làm tốt (vì nó cũng chỉ là kiến thức ôn lại của lớp 9 thôi). Nhưng đến buổi có môn vật lý thì tâm trạng tôi xuống cấp trầm trọng (mặc dù tôi khá bản lĩnh, cá tính).
Đó là, thầy giáo dạy lý cho chúng tôi 4 bài tập để kiểm tra, thực sự kiến thức cũ, dạng bài đã làm nhiều rồi, quá dễ. Tôi làm rất nhanh chỉ trong khoảng 10 đến 15 phút. Đang mải mê thả mắt và tư duy quan sát lớp, quan sát các bạn vì thấy vui khi mình đỗ vào cấp 3, thấy vui khi có nhiều bạn mới, cộng với cũng thấy lạ lẫm nên muốn khám phá. Có thể nói tư duy tích cực với một tâm lý cực kỳ sảng khoái, thấy trên cả tuyệt vời thì… Một tiếng đập bàn rất to kèm theo một tiếng quát kinh hoàng “Không làm đi, còn ngồi đấy mà há miệng chờ sung hả?”.
Mắt tròn mắt dẹt vì bất ngờ và cũng vì ngạc nhiên khi nghe câu lạ quá, đồng thời lắp bắp “Thưa thầy em làm xong rồi ạ!”. Thầy quát tiếp “Sao mà làm nhanh thế, chỉ làm được một bài thôi đúng không?”. Tôi bình tĩnh hơn, giọng không còn thấy sợ hãi nữa mà rất dõng dạc “Thưa thầy – em đã làm xong cả 4 bài – vì những bài này đối với em không khó ạ!”. Thầy giáo vẫn quát “Tự tin nhỉ, lên chữa bài đầu tiên cho tôi”. Tôi đi lên tay không, thầy lại quát “Không cầm vở đã làm lên à?”. Tôi không nói gì, coi như không hề nghe thấy và thực sự vì lúc đó nước mắt đã chảy nhưng nắm chặt tay để kiềm chế không nấc thành tiếng. Tôi lấy phấn, chia bảng ra thành 4 phần (như cách các thầy cô thường chia khi giảng) và làm rất nhanh cả 4 bài tập. Sau đó đứng từ xa búng phấn về bảng giáo viên và đi xuống lớp gục xuống bàn với 1 cảm xúc đã bị xúc phạm ghê gớm và một tâm trạng chán nản, mất niềm tin đến vô cùng.
Và cũng từ giây phút đó tôi ghét môn lý, tôi không nghe giảng vì thấy thầy dạy quá chán; tôi ghét vì môn này tôi đã thực sự hết cảm hứng với nói, tôi chai lì với nó. Những tưởng tôi chỉ ghét môn lý thôi, nhưng nó kéo theo là một chuỗi khiến tôi trở thành khác hoàn toàn với sự nỗ lực học tập năm cấp 2 và cấp 1 (Vì những năm đó đứng thứ 2 trong lớp là một sự không thể chấp nhận của tôi). Bởi đã thất vọng thì tư duy sẽ luôn theo một chuỗi tiêu cực với bất kỳ vấn đề gì không thỏa mãn. Tôi hình thành rất nhanh nhận thức buông xuôi, mất niềm tin, dễ ác cảm nếu thấy thầy cô nào cũng có cách nói và biểu hiện như vậy. Sau đó tôi ghét môn hóa vì cô hóa cũng có cách nói như thế; rồi tôi không ghét môn toán nhưng không phấn đấu, học để kiểm tra, thi thôi, vì môn đó là môn cô giáo chủ nhiệm dạy, cô bảo tôi đại diện đi thi giọng hát hay của lớp nhưng tôi cương quyết từ chối không đi (vì đang mất hết hứng thú nên cảm thấy không thích có cạnh tranh). Và cô đã đến nhà riêng mách bố tôi là tôi không nghe lời, bướng, đầu trò trong nghịch ngợm của lớp (mặc dù không phải tôi đầu trò cuộc chơi nào, hay hỗn hào với ai, tôi chỉ cương quyết từ chối không thi hát thôi), kết quả bố tôi tưởng con hư (vì trước luôn tự hào về con trong khu phố và đi họp phụ huynh cũng luôn được cô khen con mà) nên tôi bị cho nghỉ học 1 ngày, đứng úp mặt vào tường từ 8h sáng đến 9h tối và không được ăn bất kỳ thứ gì. Mẹ thương giấu mang cơm cho tôi ăn, nhưng tôi cũng cương quyết nhịn để chứng minh mình không sai (bố tôi rất gia trưởng độc đoán và không bao giờ lắng nghe con vì người lớn luôn đúng). Hôm sau tôi bị sốt li bì vì chắc mệt, đói, thành quả của việc gồng mình lên để chịu đựng ngày hôm trước.
Sau sự kiện đó, tôi hết hoàn toàn hứng thú học tất cả các môn khác. Đến lớp vẫn nghe giảng nhưng không bao giờ ghi chép bất kỳ môn nào. Thầy cô chấm vở thì lấy vở của bạn đổi nhãn vở để chấm. Tuy nhiên, vẫn không học kém chỉ không được học sinh giỏi nữa thôi (vì về nhà vẫn làm bài tập trên các quyển nháp và lưu trữ quyển nháp lại).
Trước tôi có ước mơ thi khối A (vì đam mê các môn đó và theo các thầy cô các cấp dưới nói rằng tư duy rất nhanh), nhưng từ hôm đó tôi chuyển học khối C vì thấy môn văn thì quá dễ với tôi kể cả không cần học (thi đại học tôi được 9 điểm văn); các môn kia chỉ là học thuộc mà tôi thì trí nhớ thuộc loại tốt; tư duy phản biện bản thân cũng rất tin vào mình…Đến khi thi đại học thì quyết định thi thêm khối D nữa, nhưng trường thi khối D thiếu 1 điểm, vì trượt môn ngoại ngữ nga văn do chẳng ôn thi nó ngày nào.
THƯA CÁC BẬC THẦY CÔ GIÁO!
Sau này khi tôi trở thành sinh viên tôi có mở tư duy hơn, không còn tiêu cực nữa, suy nghĩ lại tôi giật mình và thấy hối tiếc vì sự hồ đồ của chính mình, tôi đã để đánh mất sự rèn luyện trí tuệ, khả năng thể hiện bản thân trong một thời gian rất dài. Tôi hối tiếc nhưng đã muộn. Tuy nhiên, cũng tự an ủi rằng “vì mình quá nhỏ để tự điều tiết bản thân mình tốt hơn, với những gì đã diễn ra”. Tôi hiểu các thầy cô của tôi thời đó không cố ý mà chỉ do thực sự chưa để ý đến cảm xúc của học sinh vì nghĩ chúng còn nhỏ, do sốt ruột vì sự học tốt của học sinh bởi thể hiện ở việc mắng chửi các HS nhưng các cô luôn nỗ lực kèm cặp các HS không quản khó khăn, không bỏ buông các con, không yêu cầu cha mẹ mặc dù không có bất kỳ lợi ích kinh tế nào (vì ngày 20/11 các con cũng đâu có gì tặng cô). Thái độ, lời nói, hành vi của các thầy cô giáo là chiếc cầu cảm hứng học tập, phấn đấu, thay đổi tích cực cho các con. Nó có khả năng xoay chuyển những đứa trẻ được coi là kém nhất, hư nhất… trở nên tuyệt vời. Điều này lý giải tại sao học sinh chỉ thích học, có ý thức tốt và học giỏi với những môn của thâỳ cô mà chúng yêu quý.
Ngược lại, khiến con trẻ sẽ chệch hướng và đánh mất hoàn cơ hội về tư duy và niềm tin vào cuộc sống, về sự nghiệp của bản thân……. Bởi tôi đã mắc phải rất nặng nề, cố thủ đến ghê gớm (năm thứ nhất đại học ông bà tôi là việt kiều pháp có ý muốn cho tôi sang Pháp học, nhưng tôi cương quyết vì nghĩ rằng học ở đâu tôi cũng sẽ rất tốt, tôi không phải nhờ vả ai kể cả ông bà, hay bố mẹ…., chí ít tôi đã bị trượt cơ hội nhiều người mơ ước thời điểm đó với 1 cái đầu hiếu chiến và luôn trong sự gồng mình để thể hiện tự mình phải làm được. Tuy nhiên, tôi là người mạnh mẽ, và thời của tôi xã hội còn ôn hòa hơn rất nhiều).
Rất thành thật xin lỗi các bậc thầy cô giáo vì với việc viết chung chung thế này sẽ làm phiền, hiểu lầm đến những người thực sự không mong muốn những điều trên!!!! Mạo phép xin lỗi rất nhiều!!!!!!!!
THƯA CÁC BẬC PHỤ HUYNH!
Hãy bỏ đi tư duy nghĩ rằng các giáo viên sẽ trù con mình nếu mình nói thật, nếu không đi học thêm…. Tôi thấy rằng phần rất lớn các giáo viên vẫn luôn nhiệt huyết vì sự nghiệp trồng người của mình, và cũng đang rất vất vả vì nó. Vì vậy, hãy chia sẻ để con trao đổi thẳng thắn (cần tinh để phát hiện tính trung thực), nếu liên quan đến cảm xúc với thầy cô hãy chia sẻ thật, trực tiếp với thầy cô và chắc chắn thầy cô sẽ giúp con phát triển tốt nhất. Bởi thường thì các thầy cô giáo cũng chỉ là vô tình nên không biết mà thôi!. Đừng nuông chiều con cái, đừng đáp ứng quá dễ dàng, đừng biện hộ vì xót con hay vì muốn bù đắp cho con, đừng bỏ bê việc học hoàn toàn cho thầy cô giáo… hãy cho con ý thức tốt, tính kỷ luật cao, trách nhiệm nghiêm túc nhất với chính chúng và cha mẹ, thầy cô, xã hội.
CÁC CON THÂN MẾN!
Việc học là của chính mình, thay bằng việc để ý đến thái độ, hành vi … của thầy cô giáo phải tích cực với mình, các con hãy chăm chỉ, tích cực tương tác tốt nhất với thầy cô. Bởi không có thầy cô nào ghét học sinh, có hay chăng chỉ là sự thất vọng vì các con không chịu thay đổi. Tất cả luôn là sự hiểu chưa thấu đáo, vì vậy nên tham vấn từ cha mẹ, thầy cô…. một cách thẳng thắn trong lễ phép bất kỳ điều gì các con đang cảm thấy bế tắc hoặc thấy suy nghĩ bắt đầu tiêu cực nhé!. Đừng biện hộ, đổ lỗi, buông xuôi mà càng bị phê bình càng quyết tâm thể hiện sự thay đổi tất cả các lỗi, các yếu kém….của mình…có như vậy mới chứng minh được thực sự các con là đúng.
Một lần nữa rất xin lỗi vì tôi có thế mạo phạm!!!!!!!!
Chuyên gia Phạm Hiền
Trả lời