Chỉ cần có chút lòng với những trò chơi xưa cũ, thì nửa giờ đồng hồ mỗi ngày đã là quá đủ để trẻ nhập tâm một góc nhỏ quê hương. Hãy cùng theo dõi những chia sẻ về việc chơi cùng chuyên gia Phạm Hiền trên báo Thời nay số 531 ra ngày 16/2/2015.
Nhảy dây, nhảy ngựa, đánh chuyền, đánh khăng, mèo đuổi chuột, chọi cỏ gà, chi chi chành chành… hẳn chỉ còn trong ký ức thế hệ 8x trở về trước, mà xa lạ hơn với trẻ thơ hiện đại. Ngay cả ở nông thôn, các em cũng ít thời gian để chơi, và nếu có thời gian, thì những trò chơi xưa cũ cũng không được ưu tiên, nếu không nói là đang biến mất dần. Dịp Tết nào những trò chơi này cũng được biểu diễn, cho tham gia chơi tại bảo tang, cung văn hóa… nhưng rất có thể một ngày kia, khách du lịch phải giải thích, mô tả cho người Việt thế nào là chí chách, tập tầm vông….
Niềm vui của trẻ nhỏ từ cả nghìn năm, trò chơi dân gian (TCDG) thường chỉ được hỗ trợ bởi những vật dụng có sẵn hết đỗi bình thường như quả cau, chiếc đũa hay mảnh gạch vỡ. Bằng tình yêu thương của người lớn, bằng sự tò mò và cả ham thích được chơi của trẻ nhỏ, bằng nhiều tỉ mỉ và chút sáng tạo riêng, nan tre, giấy cũ thành diều, sỏi đen, sỏi trắng hóa quân quan, ngọn lau thành cờ trận. So về mặt vật chất thì chắc chắn TCDG sẽ chiếm giải vô địch về tiết kiệm. So về khả năng rèn tình cần mẫn, khéo léo, sáng tạo, thì chưa chắc những gì cổ truyền đã không ngang sức, thậm chí có phần trội hơn những trò chơi hiện đại (TCHĐ). Nói như chuyên gia tâm lý Phạm Hiền thì TCDG cần nhiều thời gian để chơi, để cảm nhận… tạo độ lắng, độ sâu tâm hồn, cảm nhận, cách cư xử…, điều mà những TCHĐ khó làm được.
TCDG không chỉ là vui đùa. Rèn thể lực có kéo co, tăng sức bật có nhảy dây, tính toán trong ô ăn quan, khéo léo khi chơi chuyền, phối hợp nhóm và lãnh đạo trong trận giả, học nói bằng đồng giao ngộ nghĩnh. Chưa kể hầu hết các TCDG chỉ thực hiện được khi có nhiều người cùng tham gia, vậy là trí tuệ cảm xúc, khả năng phối hợp nhóm… được trẻ tiếp cận một cách tự nhiên. Ở một khía cạnh nào đó, các TCDG chính là một dạng học liệu đặc biệt “made in VietNam”.
Phụ huynh Việt Nam ham học hỏi. Nhiều trào lưu dạy con kiểu Pháp, kiểu Nhật, gần đây là kiểu Do Thái… Mỗi khi nhà xuất bản có sách mới lại tạo nên cơn sốt. Bộ học liệu Glenn Doman, Sichida trị giá chục triệu đồng nhiều khi đem về bỏ xó vì phụ huynh không đủ kiên trì và khoa học. Tác dụng của quảng cáo, tâm lý phải bằng con người khác… làm mờ đi sự thật là phương pháp hiện đạu đến từ thế giới khoa học được nghiên cứu cẩn thận, thường nhấn mạnh vào kiến thức, kỹ năng dễ dàng cân đong đo đếm sự tiến bộ của trẻ qua từng buổi học, mà coi nhẹ việc dạy trẻ yêu và sống, chia sẻ và nhường nhịn…
Sẽ là phóng đại khi nói rằng sự thoái trào của TCDG là hiện tượng mai một truyền thống dân tộc, nhưng phần nào nói lên rằng các bận phụ huynh, và rông hơn là những người làm giáo dục dường như chưa tự tin vào “hàng nội” dạy học kiểu chơi.
Cũng không thể nói xã hội không quan tâm tới hoạt động này, cách đây vài ba năm ngành giáo dục cũng có cuộc vận động toàn quốc đưa TCDG vào trường học, và hiện tại ở Hà Nội, Bảo tàng Dân tộc học vẫn là nơi các bậc phụ huynh có thể đưa các em đến để tham quan và “chơi thử” vào cuối tuần, một vài cơ sở giáo dục vấn hướng dẫn trẻ chơi một vài trờ chơi phù hợp, an toàn, dễ tổ chức. Trò chơi vào trường học, trò chơi vào bảo tàng… liệu có phải vì TCDG quá nhàm chán tới mức không đủ khả năng cạnh tranh, hay chính việc tính thành tích tổ chức trò chơi, thành tích chơi đã khiến trẻ không còn thích thú? Mỗi TCDG đều có luật chơi và vần điệu riêng mà mong trẻ nhớ được chỉ dựa vào giờ môn phụ, vào thời gian đi thăm bảo tàng ít ỏi, vào dịp Trung thu hoặc Nguyên đán cả năm mới có một lần cũng là làm khó trẻ. Có lẽ khi nào gia đình quây quần quanh trẻ cùng chơi, hoặc các em tự bày trò chơi cùng nhau, TCDG mới được “sống” theo đúng kiểu dân gian, với sự hồn nhiên của lứa tuổi.
Đề cao quá mức trò chơi dân gian, hoàn toàn phủ nhận trò chơi và học liệu hiện đại cũng là một sai lầm vì mỗi loại hình đều có ưu điểm và khuyết điểm riêng, đây chính là nhận định của nhiều chuyên gia tâm lý học và giáo dục trẻ. Như vậy người hướng dẫn trẻ chơi đóng vai trò quyết định. Không chỉ dạy, không chơi cùng, bỏ mặc trẻ một mình thì dù là trò chơi, đồ chơi hiện đại hay dân gian trẻ cũng chán rất nhanh.
Xã hội thay đổi, đời sống thay đổi, không khó để chỉ ra một loạt nguyên nhân khiến cha mẹ sẵn sang bỏ rất nhiều tiền nhưng tiếc từng chút thời gian cho trẻ: lỗi sống khép kín với lối xóm, gia đình ít trẻ em, công việc bận rộn, sợ trẻ nghịch ngợm ốm đau, rồi TCHĐ có sẵn và tiện lợi, trẻ chơi hoài không chán, thậm chí cả việc bố mẹ không nhớ được chơi TCDG như thế nào… khiến phụ huynh nản lòng. Ấy nhưng, chỉ cần có chút lòng với những trò chơi xưa cũ, thì nửa giờ đồng hồ mỗi ngày đã là quá đủ để trẻ nhập tâm một góc nhỏ quê hương.
Trả lời