Cho đến khi thủ phạm gây ra vụ án thảm sát khiến cả gia đình 4 người thương vong bị sa lưới, không ai nghĩ đó chỉ là một tên trộm vặt, khi bị phát hiện đã lao vào “đuổi cùng giết tận” nhằm che giấu tội lỗi. Vấn đề đặt ra là làm gì khi rơi vào tình huống này, để tránh tái diễn những thảm án tương tự. Chuyên gia Phạm Hiền có những tư vấn trên báo Xa lộ Pháp luật số 184.
Trộm vặt hóa sát nhân tàn độc
Sáng 24/11, trao đổi với báo chí, đại tá Phạm Văn Chấn, Trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh Gia Lai cho biết, Nguyễn Văn Tiến – nghi can sát hại cả gia đình ông Nguyễn Văn Cường (56 tuổi) tại thôn Ia Tang, xã Ia Kla, huyện Đức Cơ là người cùng làng với các nạn nhân.
Nghi phạm, 23 tuổi, sau khi xuất ngũ đã đi địa phương khác làm thuê. Anh ta vừa về lại Gia Lai, thuê trọ ở Biển Hồ (TP. Pleiku) thì gây án. Khai với cảnh sát, Tiến cho biết đêm 20/1 đi qua nhà ông Cường – cách nhà hắn 500 mét – thì nảy sinh ý định vào trộm tài sản. Tiến đột nhập từ phía sau, gây động nên chó sủa. Khi ông Cường ra xem hắn nấp vào vườn.
Đến khoảng 1h30 ngày 21/1, Tiến tiếp tục đột nhập sâu vào trong thì chó lại sủa. Ông Cường mở cửa phát hiện Tiến và nhận ra người quen nên lôi vào nhà hỏi “Mày vào nhà tao làm gì?”. Trong lúc giằng co, Tiến rút dao đâm chủ nhà liên tiếp.
Khi bà Phan Thị Mão (53 tuổi, vợ ông Cường) và Nguyễn Thị Thùy (18 tuổi) chạy đến cứu nạn nhân cũng bị Tiến đâm loạn xạ. Ngoài ông Cường tử vong tại chỗ, con gái duy nhất của ông chạy đến cửa thì gục chết. Cụ và 90 tuổi Lưu Thị Hồ (mẹ ông Cường) từ trong phòng đi ra cũng bị tấn công để tẩu thoát nhưng may mắn không bị thương. Bà Mão được đưa đi cấp cứu trong tình trạng bị nhiều vết thương, hiện đã qua nguy kịch.
Khi thủ phạm chưa bị phát hiện, hai nạn nhân còn sống đang trong thời gian hoảng loạn chưa thể khai gì, vụ án đã gây khá nhiều “bối rối” cho cơ quan chức năng. Động cơ vụ án là gì mà kẻ thù ác ra tay tàn nhẫn như thế? Trả thù? Ghen tuông tình ái? Ám sát?… Đại tá Phạm Văn Chẩn, người phát ngôn công an tỉnh Gia Lai cho hay xác định đây là “vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng”, lãnh đạo Công an tỉnh Gia Lai lập chuyên án ngay trong đêm, khẩn trương truy tìm thủ phạm. Quá trình điều tra, cảnh sát thu được con dao gấp dính máu được vứt ở gần nhà nạn nhân, chiếc mũ đen, dấu giày, chiếc áo khoác, gói thuốc hiệu con ó…, nghi do hung thủ để lại. Tuy nhiên, việc truy tìm thủ phạm vẫn chưa có kết quả.
Trong lúc tưởng chừng như bế tắc, cơ quan điều tra nhận được nguồn tin cho hay rạng sáng ngày 21/1 một thanh niên chừng 20 tuổi bộ dạng hối hả đã vào 1 tụ điểm giải trí ở xã Ia Din (huyện Đức Cơ) xin ngủ nhờ. Khoảng 5h anh ta rời đi và đêm cùng ngày quay lại, trên người khoác ba lô, dùng thuốc lá hiệu con ó. Thấy khả nghi, người dân bí mật chụp ảnh rồi báo công an. Từ bức ảnh quan trọng này, Ban Chuyên án bố trí hàng chục cảnh sát tổ chức mật phục. Đến 18h ngày 23/1, công an bắt được thanh niên này tại khu vực xã Bàu Cạn (huyện Chư Prông).
Làm gì khi đối mặt kẻ trộm giữa đêm?
Tiến khai khi đi ngang qua nhà ông Cường thấy con chó xích ở giữa sân nên nảy sinh ý đồ trộm cắp. Cầm chiếc vợt muỗi được chế thành roi điện mang sẵn trong người, gã cắt lưới B40 ở phía sau nhà ông Cường lẻn vào sân. Trong lúc chó sủa lớn, Tiến thấy đèn trong nhà bật sáng, ông Cường đi ra sân nên vội ẩn nấp trong vườn tiêu. “Lát sau tưởng chủ nhà đi vào, tôi bước ra thì bị ông Cường phát hiện, giữ lại kéo vào nhà tra hỏi. Muốn thoát thân, tôi rút sẵn con dao gấp giấu trong người đâm tới tấp”, Tiến khai.
Vụ án mạng kinh hoàng lẽ ra đã có thể tránh khỏi nếu chủ nhà có cách xử lý hơn với tên trộm. Chuyên gia tâm lý Phạm Hiền (Trường Đào tạo kỹ năng sống và phát triển tư duy, Hà Nội) tư vấn cách ứng xử với tội phạm trộm cắp:
P/v: Bà đánh giá thế nào về vụ án tên trộm Nguyễn Văn Tiến sát hại cả nhà hàng xóm?
Tôi cho rằng đây là vụ án thương tâm và đáng tiếc. Thương tâm vì một gia đình 4 người đều bị truy sát, hai người chết, 2 người trọng thương. Đáng tiếc vì thủ phạm không có động cơ giết người ngay từ đầu, chỉ là đi ăn trộm. Tuy nhiên, chính người bị hại thiếu kỹ năng ứng xử với tội phạm đã khiến một tên trộm biến thành một kẻ giết người hàng loạt.
P/v: Bà có thể phân tích rõ hơn kỹ năng ứng xử với tội phạm trộm cắp?
Tâm lý chung của kẻ trộm là không để người khác bắt gặp. Trong khi đó, phản ứng chung của người dân khi phát hiện kẻ trộm là hô hoán, khiến người phạm tội hốt hoảng, giật mình. Thông thường kẻ trộm sẽ chạy trốn, nhưng nếu không thoát được, nhận thấy “tương quan lực lượng” không chênh lệch, họ sẽ có hành vi manh động ngoài ý muốn. Điều này khiến người phát hiện ra kẻ trộm tự đẩy mình vào tình thế nguy hiểm.
Trong ứng xử với tội phạm trộm cắp, có 2 trường hợp xảy ra. Thứ nhất người phát hiện kẻ trộm không trực tiếp đối diện với kẻ trộm. Tức là kẻ trộm không biết mình bị phát hiện. Lúc này người phát hiện ra trộm không nên hô hoán mà lặng lẽ theo dõi kẻ trộm. Đồng thời, tùy khả năng để bí mật báo tin cho mọi người trong gia đình, hàng xóm, công an… đến hỗ trợ bắt trộm. Người phát hiện kẻ trộm sau khi lựa chọn được một vị trí an toàn thì phát ra những tín hiệu (tiếng động chẳng hạn) để kẻ trộm biết mà tự bỏ trốn.
Trong trường hợp đặc biệt, phát hiện kẻ trộm mang theo hung khí nguy hiểm súng, mìn… thì cách tốt nhất chủ nhà nên “án binh bất động”, giữ an toàn trong khả năng (như chốt lại cửa, phòng), chấp nhận để tên trộm lấy đi của cải. Sau khi họ tẩu thoát thì bí mật theo dõi hướng tẩu thoát, các đặc điểm nhận dạng kẻ trộm rồi khẩn trương báo lên cơ quan công an.
Thứ hai, nếu người phát hiện đối diện trực tiếp với kẻ trộm thì tuyệt đối không được hô hoán “trộm”. Lúc này phải bình tĩnh, coi họ không phải là kẻ trộm mà chỉ là sự nhầm lẫn. Người phát hiện nếu thể hiện thái đội “niềm nở” và “thiện ý” bằng những câu nhẹ nhàng, đại loại như “anh đi lạc đường rồi”, “tôi có thể giúp anh không?”. Lúc này, người phạm tội cảm thấy mình được đối xử bình đẳng như người bình thường. Trong tình huống đó, kẻ trộm cứ nghĩ chủ nhà không biết mình là trộm nên dễ dàng chuyển sang đóng vai “người tốt”, vờ hỏi thăm vài câu rồi tẩu thoát an toàn.
P/v: Trường hợp trộm manh động hóa cướp thì sao, thưa bà?
Nếu gặp phải kẻ trộm chuyên nghiệp, khi bị phát hiện chuyển sang cướp rồi “xin” tiền thì chủ nhà nên đàm phán, thỏa thuận, sẵn sàng đưa cho họ một ít tiền mặt, giải thích không có nhiều tiền mặt, chỉ có bằng đấy, cầm tạm. Sau đó “chia sẻ” khó khăn với họ. Đồng thời coi hành động đi trộm lần này của họ chỉ là “con đường cùng”, “chắc không muốn vậy”. Sau khi bản thân được an toàn thì hãy báo tin đến cơ quan công an.
Trong vụ án trên, giá như khi phát hiện ra kẻ trộm, ông Cường không la hét gọi Tiến là trộm mà bình tĩnh nhẹ nhàng “đóng kịch” coi Tiến chỉ là người đi nhầm thì có lẽ anh ta không manh động dùng dao khống chế rồi sát hại chủ nhà. Ngay từ đầu Tiến không có ý định giết người, khi bị chủ nhà phát hiện và kêu la mới có ý định diệt khẩu. Vợ con ông Cường khi phát hiện người nhà bị khống chế cũng không nên hoảng loạn lao vào ứng cứu tức thời mà nên đứng ở gần thuyết phcuj bằng những lời lẽ mềm mỏng, coi sự việc chỉ là “hiểu nhầm”
P/v: Nếu chúng ta quá “mềm mỏng” với kẻ trộm như vậy, thì phong trào toàn dân tham gia phòng chống tội phạm, liệu có phát huy được tác dụng, thưa bà?
Đó là tôi đặt trong trường hợp đêm tối, nạn nhân không có phòng bị gì, kẻ trộm thì lại chuẩn bị sẵn hung khí. Trong trường hợp đó, sức khỏe, tính mạng chúng ta là quan trọng nhất.
Trong trường hợp phát hiện kẻ trộm giữa phố đông, khi chúng ta cùng đi một nhóm người, hoặc “tương quan lực lượng” không chênh lệch, đương nhiên chúng ta phải có cách xử trí khác, hô hoán mọi người cùng hợp sức bắt ngay tên trộm.
Khi kẻ trộm được đối xử tử tế thì không lý do gì họ manh động, giết người. Điều quan trọng nhất khi đối diện với tội phạm trộm cắp là bằng mọi cách để an toàn cho bản thân. Còn việc sau đó có cơ quan công an giải quyết.
Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!
Nguồn: Báo Xa lộ Pháp luật số 184.
Trả lời