“Hãy có thời gian cho cả công việc và hưởng thụ; khiến mỗi ngày vừa hữu ích vừa thoải mái; và chứng tỏ rằng bạn hiểu giá trị của thời gian bằng cách sử dụng nó thật tốt. Và rồi tuổi trẻ sẽ tươi vui, và tuổi già không có nhiều hối tiếc, và cuộc đời sẽ là một thành công tươi đẹp” – Louisa May Alcott
Xã hội càng phát triển thì các cha mẹ ngày càng bận rộn hơn với guồng quay công việc. Với lí do là chữ BẬN, các cha mẹ dường như không quan tâm quá nhiều đến thời gian dành cho con mà chỉ nghĩ cung cấp đầy đủ vật chất là được. Thời gian cho con quan trọng thế nào? Hãy cùng theo dõi những chia sẻ của chuyên gia Phạm Hiền về vấn đề này.
P/v: Thưa chuyên gia, hiện nay hình ảnh các bố mẹ đi chơi với con nhưng vẫn sử dụng các thiết bị thông minh không phải là hiếm. Bà có ý kiến như thế nào?
Thực ra chúng ta cùng làm một bài toán: trong 1 ngày tất cả mọi người đều có 24h. Một ngày nếu tính thời gian làm việc là 8h, đi lại, các công việc cá nhân…mất 12 – 14h. Tức là chúng ta một ngày tiêu tốn khoảng 20h – 22h cho bản thân chúng ta. Vậy chúng ta còn 2- 4h mà nếu biết cách thì các cha mẹ vẫn có thể có thời gian tương tác với con.
Xã hội hiện nay là thời đại thông tin, có quá nhiều sự hấp dẫn từ các thiết bị thông minh, có quá nhiều thông tin mà chúng ta muốn cập nhật. Thực ra đó chỉ là một sự vô thức trong sự tò mò của con người nhưng chính những điều đó lại khiến xảy ra tình trạng bố mẹ một việc, con một việc. Vậy thì thay việc đưa con đến quán café và dùng các thiết bị thông minh thì các cha mẹ hãy đưa con đến nơi nào đó cả gia đình có thể ngắm cảnh, trò chuyện, ngắm người đi đường. Rồi từ đó hỏi con, dạy con về cuộc sống xung quanh. Đó là lý do mà tại sao tôi nó dù có bận đến đâu nhưng nếu biết cách thì các cha mẹ vẫn có thể tương tác được với con dù chỉ là 5 phút cũng có thể được rất nhiều thứ cho con.
P/v: Vâng! Cha mẹ tưởng chừng là đang ở bên con nhưng thực chất ra lại rất xa cách với con và cứ song song như vậy phải chăng mối quan hệ cha mẹ và con đang mất đi sự thấu hiểu?
Đúng như bạn nói. Quan trọng hơn là không chỉ mất đi sự thấu hiểu mà nó còn gây ra rất nhiều hệ lụy. Chẳng hạn trong những năm gần đây khi công nghệ phát triển thì ngày càng có nhiều đứa trẻ chậm nói, nhút nhát, co cụm bản thân…Tại sao lại như vậy?
– Trong độ tuổi từ 1-5 trẻ cần khám phá những thứ xung quanh nhưng để rảnh hơn thì các cha mẹ thường cho con xem tivi để mình có thời gian hơn. Và đứa trẻ đó trong 1 ngày thời gian phần lớn chỉ có thể gắn kết với cái tivi thôi, con chỉ biết nghe mà không thể nói dẫn đến việc diễn đạt kém.
– Khi bố mẹ không có thời gian tương tác thực sự với con và con bị khuyết đi nhiều các kỹ năng: giao tiếp ứng xử, giải quyết vấn đề… mà trẻ khi ra môi trường bên ngoài dễ bị điều khiển dẫn đến đi chệch hướng.
P/v: Vâng bà vừa đề cập đến hậu quả mà cha mẹ khi không có thời gian tương tác với con ngay cả khi ở bên con. Thực sự có nhiều ông bố bà mẹ vì đi làm xa, mưu sinh mà không có thời gian bên con. Vậy chúng ta có cần lo lắng rằng chúng sẽ hư khi không có sự tương tác của bố mẹ?
Như tôi đã chia sẻ, nếu như chúng ta biết cách thì chỉ là 5 phút thôi cũng có thể đem lại cho con nhiều điều mà có thể tránh khỏi được những hệ lụy đáng tiếc. Nhiều người bắt đầu công việc của mình từ sáng sớm tinh mơ và kết thúc vào đêm muộn hoặc ở cách xa con nhưng họ lại chú ý đến việc tương tác với con qua điện thoại, đó cũng là một cách. Thực sự khi quan tâm vấn đề này thì dù ở hoàn cảnh nào cha mẹ đều có thể làm được.
P/v: Vậy chúng ta đang thống nhất với nhau rằng thời gian dài ngắn bên con không quan trọng bằng chất lượng đúng không thưa bà?
Chính xác. Nhiều phụ huynh nói là “Tôi có tương tác với cháu đấy chứ!” chẳng hạn cha mẹ hay nói chuyện, tâm sự với con trên đường đón con đi học về. Nhưng chính những yếu tố trên đường tác động và khiến trẻ chú ý hơn so với việc để tâm vào lời nói của bố mẹ. Do đó tôi rất mong muốn các cha mẹ hãy thay đổi tư duy. Ví dụ như càng giới công sở thì càng nói chữ BẬN nhiều. Nhưng tôi vẫn thường nói với họ rằng “Nếu các anh chị vẫn nói được chữ bận thì có nghĩa là anh chị vẫn chưa thực sự bận”.
Những bài học kỹ năng cho con nó bắt đầu từ những câu chuyện hàng ngày nên nếu để tâm thì chỉ trong thời gian ngắn thôi cha mẹ cũng có thể cho con được những bài học quý giá cũng như tăng cường sợi dây tình cảm. Như vậy, chúng có khả năng giải quyết vấn đề, biết cách chắt lọc thông tin…
P/v: Những đứa trẻ luôn luôn có những khoảnh khắc hạnh phúc với bố mẹ và chúng thường ghi nhớ về điều đó. Đó có phải là yếu tố góp phần tạo nên những nhân cách của trẻ không thưa bà?
99% tâm lý và cảm xúc của con là luôn luôn hướng về bố mẹ. Do đó thời gian tương tác cho con chính là cách để làm bạn với con, hiểu con, tạo cho con những tình cảm, ký ức đẹp nhất với cha mẹ. Chẳng hạn hãy đưa những chuyện vui buồn của cha mẹ tâm sự với con để con thấy được sự bình đẳng, sự tôn trọng và hơn hết con nhận diện được vấn đề và có thể giúp bố mẹ nghĩ ra cách giải quyết.
P/v: Vậy bà có những chia sẻ gì để thời gian cha mẹ bên con không dài nhưng chắc chắn là chất lượng?
Cha mẹ chỉ cần chú ý :
– Luôn tâm sự, trò chuyện với con ngay cả khi đang xem tivi để con nhận diện được vấn đề
– Mỗi ngày hãy dạy con 1 kỹ năng thông qua các câu chuyện hoặc bài học với bố mẹ
– Hãy dạy con các kỹ năng bằng tình huống thực tế
P/v: Vâng rõ ràng là thời gian chúng ta dành cho con có thể không cần nhiều nhưng chắc chắn phải chất lượng. Cảm ơn chuyên gia về những chia sẻ ngày hôm nay!
Trả lời