Bí quyết tránh hình thành thói quen hút thuốc lá ở trẻ
Theo kết quả điều tra của nhiều nghiên cứu về nghiện thuốc lá đã cho thấy, 90% những người nghiện thuốc bắt đầu hình thành thói quen hút thuốc từ lứa tuổi thiếu niên. Để trẻ có một sức khỏe tốt nhất và tránh được những nguy cơ do thuốc lá gây ra, phụ huynh cần phải giúp trẻ tránh khỏi thói quen này ngay từ bây giờ.
Ở tuổi thanh thiếu niên còn ngồi trên ghế nhà trường, đa số các em chưa ý thức được đầy đủ tác hại nghiêm trọng của việc hút thuốc lá nên các em đua đòi bạn, bắt chước lẫn nhau, để tạo cảm giác là mình trưởng thành, độc lập, hoặc bắt chước một thần tượng nào đó trên phim ảnh, do mong muốn thể hiện mình là người đàn ông cứng cỏi, hoặc thể hiện mình là một người lạnh lùng…
Theo sự phát triển tâm lý lứa tuổi trẻ dễ có thói quen hút thuốc lá. Và một điều bạn nên nhớ là việc hình thành thói quen nghiện thuốc lá có thể bắt đầu ngay từ những ngày đầu trẻ thử hút, vì vậy cha mẹ phải giúp trẻ tránh khỏi việc thử hút thuốc bằng cách:
– Giúp trẻ hiểu được những nguy cơ do thuốc lá gây ra, ví dụ: nó là căn nguyên gây ra nhiều bệnh như các bệnh ung thư, bệnh lý tim mạch, bệnh về phổi. Hút thuốc lá còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình thức bên ngoài, làm cho răng đen xỉn, môi thâm, hơi thở hôi… làm giảm đi sự hấp dẫn về hình thức.
– Cho trẻ bày tỏ quan điểm của mình về hút thuốc lá. Thể hiện cho trẻ thấy rằng bạn đánh giá cao quan điểm và ý kiến của trẻ. Tuy nhiên, cũng cần phải có sự giải thích, định hướng để trẻ có cái nhìn đúng đắn nhất về vấn đề này.
– Trao đổi, bàn bạc với trẻ về cách phải đối phó với những áp lực từ phía bạn bè khi cả nhóm bạn rủ hút thuốc.
– Bạn giải thích cho trẻ thấy rằng thuốc lá ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của trẻ như thế nào?
– Đưa ra những nguyên tắc rõ ràng để loại bỏ việc hút thuốc lá trong nhà và giải thích rõ tại sao: hút thuốc lá tạo mùi rất khó chịu, tạo cảm xúc xấu và nó không tốt cho sức khoẻ của mọi người.
– Khuyến khích trẻ tham gia vào những hoạt động như thể thao, âm nhạc, vui chơi, giải trí lành mạnh.
Nếu con bạn đã hút thuốc, bạn nên làm gì?
– Không đánh mắng trẻ vì trẻ đang độ tuổi mới lớn, càng la mắng trẻ sẽ càng làm ngược lại. Cha mẹ nên thảo luận với con về thuốc lá theo cách quan tâm chứ không xét nét, hạch sách, tránh để trẻ cảm thấy mình đang bị chỉ trích, trừng phạt.
– Có thể trẻ không có khả năng đánh giá hết được hành vi của trẻ sẽ ảnh hưởng đến tương lai như thế nào, vì vậy bạn phải nói một cách thẳng thắn về tác hại của hút thuốc lá.
– Nói rõ cho con biết việc cải thiện tâm trạng, tập trung tư tưởng có thể đạt được bằng nhiều cách khác như xem xét lại các vấn đề tâm lý cá nhân, lên kế hoạch sinh hoạt, vui chơi lành mạnh, tập luyện để có sức khỏe tốt… thay vì hút thuốc lá.
– Nếu trong nhà có người hút thuốc lá thì người đó nên chủ động nhận lỗi. Người cha nên tỏ thái độ hợp tác khi vợ con góp ý bỏ thuốc lá, tránh việc thấy con hút thuốc thì bỏ mặc con “muốn làm gì thì làm”.
– Thỏa thuận với con về thời gian bỏ thuốc, cùng con lên kế hoạch cắt giảm thuốc từ từ nhưng kiên quyết. Việc cắt giảm cần cụ thể như từ mỗi ngày hút 5 điếu giảm xuống 4, 3 điếu trong tuần tiếp theo…
– Thưởng cho con những món quà bổ ích khi con bỏ thuốc lá thành công trong từng giai đoạn cụ thể. Đồng thời, khuyến khích con vận động hàng ngày kể cả sau khi bỏ hẳn thuốc lá. Tập luyện thể thao được xem là cách chống lại cơn thèm thuốc lá.
Hy vọng rằng với những chia sẻ ở trên sẽ giúp các bậc phụ huynh giúp trẻ tránh được thói quen hút thuốc lá, đồng thời mang đến cho trẻ sự phát triển lành mạnh, toàn diện.
Trả lời