Dạy trẻ sử dụng internet an toàn
Một khảo sát gần đây với hơn 1000 bà mẹ có con đang học tiểu học đã cho thấy tỉ lệ trẻ biết sử dụng máy tính, điện thoại thông minh, máy tính bảng… nhiều đến mức bất ngờ (70%). Con số này thật đáng suy nghĩ, nó thậm chí cao hơn hẳn tỉ lệ trẻ biết các kĩ năng như: tự thay đồ, xử trí khi đi lạc…
Thời đại công nghệ, trẻ bắt chước bố mẹ sử dụng các thiết bị đó rất nhanh. Chính vì thế, bạn không thể lơ là với việc dạy cho con những kỹ năng sử dụng internet an toàn.
Đối với trẻ, internet là một thế giới vô cùng mới mẻ và đầy hấp dẫn. Đó là nơi để chúng giải trí, thể hiện bản thân, bộc lộ những cảm xúc mà nhiều khi chúng thấy khó khăn khi chia sẻ với bố mẹ. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, internet cũng bộc lộ một số điểm tiêu cực, nó hạn chế khả năng giao tiếp của trẻ với thế giới bên ngoài, giảm thiểu thời gian tham gia các hoạt động thể chất, lười bộc lộ cảm xúc, chia sẻ với mọi người trong cuộc sống thực. Trẻ con ngày nay không còn lục tìm sách trên thư viện như trước nữa, để tìm kiếm bất kì một thông tin gì, chỉ cần click chuột, sau vài giây, chúng có thể tìm được thứ chúng mong muốn. Do đó, Internet rất dễ dẫn đến sự mất cân bằng trong cuộc sống, trẻ có xu hướng che đậy khó khăn, dễ tổn thương tâm lý, dễ lệ thuộc vào các ứng dụng công nghệ.
Nhiều bậc cha mẹ đã thất bại trong việc đưa ra những phương pháp an toàn cho con mình trong việc sử dụng Internet, bởi họ quan niệm rằng máy vi tính là một công cụ học tập hiệu quả và vô hại. Họ cho rằng bọn trẻ sẽ tránh được những mối nguy hiểm từ bên ngoài nếu ở nhà hoặc ở trong phòng riêng và chơi cùng chiếc máy vi tính. Nhưng điều này không phải lúc nào cũng đúng. Giống như tất cả mọi lĩnh vực khác trong cuộc sống, phụ huynh cần có sự giám sát và trao đổi với con mình về các hoạt động trên Internet. Bạn cũng có thể cài đặt một phần mềm bảo vệ trong máy vi tính để nhằm giúp bé tránh những trang web có nội dung xấu.
Lời khuyên cho phụ huynh giúp con an toàn trên mạng:
– Luôn luôn nhắc nhở trẻ về 4 nguyên tắc an toàn khi truy cập internet, đó là: không cho biết thông tin cá nhân, không gặp gỡ người lạ, không dùng chung password, có sự quy định về thời gian sử dụng Internet.
– Khéo léo thảo luận, nhắc nhở con để xây dựng các quy ước trước khi sử dụng, cho con biết những nguy hiểm có thể mắc phải để con nâng cao cảnh giác.
– Bạn chỉ nên cho trẻ tiếp xúc với máy tính có giới hạn, kiểm soát thời gian và các hoạt động của trẻ trên máy một cách chặt chẽ, định hướng ho trẻ mục đích sử dụng máy tính đúng mục đích học tập và giải trí lành mạnh. Thích hợp nhất là nên hướng trẻ vào niềm say mê một môn học nào đó cần sử dụng máy tính, để trẻ sử dụng nó vào mục đích học tập của mình.
– Quan tâm đến thời gian ăn ngủ, sinh hoạt của trẻ, tránh để trẻ vì quá mải mê mà quên mất thói quen sinh hoạt điều độ.
– Bạn nên trao đổi thẳng thắn với trẻ tất cả mọi thứ liên quan đến thế giới ảo. Khuyến khích trẻ sử dụng internet an toàn, tích cực. Nói chuyện cởi mở với trẻ về những thách thức của mạng, những tình huống khó khăn có thể phát sinh. Nêu ra vài cách giải quyết và đảm bảo rằng bạn sẽ luôn bên cạnh khi con bạn cần.
– Cần phải tìm hiểu về internet để có thể kiểm soát được nội dung truy cập của trẻ. Thường xuyên trao đổi với các vị phụ huynh khác về những cách thức giáo dục, kiểm soát con cái, kết nối với nhà trường…
– Giúp con cân bằng cuộc sống thật và cuộc sống trên Internet bằng cách tham gia vào các hoạt động xã hội. Từ đó trẻ sẽ có nhận thức rõ ràng về bản thân và xây dựng các mối quan hệ lành mạnh với người khác trong xã hội, rèn luyện được tính tự lập, có những cảm xúc, trải nghiệm thú vị từ những va chạm thực tế.
Hãy dạy trẻ sử dụng internet an toàn, khai thác một cách tốt nhất những lợi ích từ internet để chúng có thể phát triển lành mạnh và đúng cách.
Trả lời