Con cái có áp lực không?
Nhiều người luôn cho rằng người lớn bận rộn với công việc, tiền nong… mới phải chịu những áp lực còn trẻ con thì không. Bởi đơn giản chúng chỉ ăn, học và chơi thì lấy đâu ra áp lực. Đây là sai lầm ngay trong chính cách nghĩ của rất nhiều các bậc phụ huynh.
Người lớn đang phải chịu những áp lực gì? Đó là: Áp lực từ gia đình, từ công việc, từ các mối quan hệ (đặc biệt từ bạn bè), từ chính nhu cầu bản thân. Bản thân người lớn đang phải chịu rất nhiều áp lực, bạn phải làm việc như một cỗ máy không ngừng nghỉ để kiếm tiền đáp ứng cho nhu cầu bản thân, sinh hoạt gia đình và sự khôn lớn của con cái. Áp lực có thể khiến bạn mệt mỏi nhưng bạn có cách để giải tỏa, để bỏ đi những áp lực ấy: đi nhậu với bạn bè, hát hò…
Nhưng đừng nghĩ rằngcon trẻ không có áp lực. Thậm chí những áp lực với chúng đang phải chịu đựng còn lớn hơn cả người lớn. Ngay từ khi mới sinh ra là con cái đã có áp lực. Cha mẹ kỳ vọng con ăn nhiều để nhanh lớn. Con đi học cha mẹ mong con học thật giỏi để nở mày nở mặt, thày cô muốn con học chăm chỉ để thành tài, thế là con áp lực, con lao vào học mà không có thời gian nghỉ ngơi, vui chơi. Ngay cả khi đi học con cũng sợ bị bạn bè bắt nạt, trêu chọc,con áp lựcvà ngại tiếp xúc với mọi người…
Hằng ngày đôi khi cha mẹ vô tình gây áp lực cho con cái. Do vậy, trước mặt thì chúng ngoan ngoãn vâng lời nhưng thực sự bên trong con đang quá chán nản, muốn thoát khỏi những áp lực ấy. Đó cũng là lý do lý giải nhiều trẻ mắc chứng tự kỷ, rối loạn hành vi… Nên nhớ rằng giáo dục cũng cần theo dõi, nhưng không nên theo dõi theo kiểu “thám tử”. Hãy hướng dẫn chúng chứ đừng tỏ vẻ “ra lệnh”. Tâm lý chung là chúng luôn thích làm ngược lại ý cha mẹ để chúng tự khẳng định mình. Nếu chỉ bảo rạch ròi, đến nơi đến chốn, và luôn ôn hòa thì chúng sẽ ngoan ngoãn làm theo với lòng kính phục.
Cha mẹ nên làm giảm áp lực cho con bằng cách:
1. Tránh ra lệnh hoặc bắt buộc con làm bất cứ việc gì.
2. Không nên quá can thiệp vào mối quan hệ bạn bè của con trừ trường hợp bắt buộc.
3. Với các sở thích của giới trẻ đừng bao giờ cấm con, chúng cần cập nhật để hiểu, nếu quá lố thì hãy phân tích cho con hiểu.
4. Con đọc gì, xem gì bố mẹ cũng đừng cấm cản mà hướng dẫn và chia sẻ để con hiểu
5. Đừng quá dễ dãi trong việc cho con sử dụng internet. Đó là công nghệ mà con cần biết nhưng cần cho con thời gian sử dụng phù hợp.
6. Nhắc nhở chúng làm bài, làm việc nhà nếu chúng quên, đồng thời nhắc nhở chúng tập sống tự lập và chủ động.
7. Để chúng tự làm những gì hợp khả năng để phát triển năng khiếu riêng, và tự tìm những gì chúng bị thất lạc để tập tính ngăn nắp và ý thức trách nhiệm, đồng thời dạy chúng không được tò mò chuyện của người khác và không được tự ý lục lọi hoặc lấy đồ của người khác – dù không ai biết.
8. Đừng quá nguyên tắc và gắt gao trong việc kiểm tra điện thoại của con. Con sẽ tự ái đấy cha mẹ nhé!
Cha mẹ nào cũng yêu thương con cái, mong muốn con phát triển nhưng cha mẹ cũng cần thấu hiểu những áp lực mà con đang phải chịu. Từ thấu hiểu những áp lực đó, cha mẹ hiểu con cái hơn, biết cách để giảm thiểu những áp lực cho con, định hướng cho con đi đúng hướng.
Trả lời